Phát triển ngân hàng số: Làm gì để nhanh và vững
Dưới áp lực cạnh tranh và làn sóng số hóa ngân hàng trên toàn thế giới, các ngân hàng buộc phải nỗ lực đổi mới, số hóa các mảng hoạt động nhằm giúp mình đi nhanh và vững…
Trên thế giới, các ngân hàng lớn đã đẩy mạnh đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động: JP Morgan Chase đã chi hơn 10,8 tỷ đô la cho chi tiêu công nghệ trong đó ưu tiên cho việc ứng dụng công nghệ số như chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây; Ngân hàng Santander dự kiến đầu tư 20 tỷ euro vào công nghệ trong bốn năm tới qua việc số hóa các dịch vụ nhằm tiếp cận khách hàng trên toàn cầu; HSBC đã đầu tư hơn 2,3 tỷ đô la cho việc chuyển đổi số từ năm 2018 tập trung vào việc số hóa các dịch vụ thanh toán trên toàn cầu; Nhờ việc đầu tư mạnh mẽ vào năng lực công nghệ số Ngân hàng Barclays đã được công nhận là ngân hàng số được nhiều người dùng nhất tại Anh từ năm 2013…
Tại Việt Nam, các NHTM đua nhau ứng dụng công nghệ số trong một số hoạt động nhằm tăng cường các điểm tương tác và tiếp cận khách hàng… Theo số liệu thống kê của NHNN, có đến 94% TCTD Việt Nam đang triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Các ngân hàng đã triển khai một số hoạt động như: Vietcombank thử nghiệm mô hình kinh doanh số, TPBank triển khai LiveBank, VietinBank xây dựng dữ liệu lớn, VPBank ra mắt YOLO… Ngoài ra, các giải pháp e-banking cũng được các ngân hàng phát triển để mở rộng nền khách hàng như: chuyển tiền qua mạng xã hội; rút tiền tại ATM không cần dùng thẻ; phát triển kênh Live Chat nhằm hỗ trợ cho khách hàng…
Nếu như ở giai đoạn đầu, các NHTM khó khăn trong việc thu xếp nguồn lực cho đầu tư hạ tầng ngân hàng số thì giai đoạn tiếp theo vấn đề quan trọng nhất với họ là xác định được đúng hướng phát triển. Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ trên thế giới, hiện có bẩy xu hướng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng trong thời gian tới như sau:
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI): Trong triển khai các dịch vụ khách hàng, cụ thể là chatbot và robot nhằm cho phép người dùng truy cập 24/7 để thực hiện các dịch vụ ngân hàng. Công nghệ này giúp các ngân hàng đưa ra các quyết định quản lý rủi ro, cho vay và tăng cường bảo mật.
Công nghệ chuỗi khối (blockchain): Được ứng dụng trong các hoạt động ngân hàng như chuyển khoản, xây dựng hệ thống nhận diện khách hàng dựa trên sổ cái phân tán, blockchain sẽ cho phép người dùng xác minh danh tính chỉ bằng một bước đơn giản. Công nghệ này được dự doán là xu thế của tương lai bởi tính minh bạch, bảo mật và chi phí tương đối thấp.
Dữ liệu lớn (Big Data): Theo phân tích của IDC, lượng dữ liệu được tạo ra bởi các giao dịch trong ngân hàng là rất lớn. Việc phân tích dữ liệu lớn không chỉ giúp xác định xu hướng thị trường mà còn giúp các ngân hàng hợp lý hóa các quy trình nội bộ và giảm rủi ro để duy trì các lợi thế cạnh tranh.
Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA): Được các ngân hàng ứng dụng trong hoạt động như trả lời, tư vấn cho khách hàng và ra quyết định cho vay nhanh chóng… Với lợi thế là tiết kiệm nhân lực, chi phí hoạt động và giảm thiểu sai sót, nhiều ngân hàng bắt đầu tận dụng công nghệ này để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh.
Giao diện giọng nói (Chatbot): Được thiết kế dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách tinh vi, đang được các ngân hàng trên thế giới triển khai để giảm chi phí và đáp ứng mong đợi của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Công nghệ này sẽ tiếp tục được cải tiến trong tương lai nhằm giúp khách hàng kết nối với ngân hàng theo cách mà họ mong muốn.
Giao diện lập trình ứng dụng (API) mở: Giúp các ngân hàng tiếp cận đến các dữ liệu khách hàng dễ dàng hơn qua việc dữ liệu của khách hàng được tạo sẵn cho các bên thứ ba không có mối quan hệ chính thức với các ngân hàng.
An ninh mạng: Bảo mật thông tin khách hàng là tối quan trọng đối với các ngân hàng, và điều các ngân hàng cần làm là tiên lượng các kịch bản bị tấn công và lên kế hoạch ứng phó kịp thời, chia sẻ kiến thức và tình huống thực tiễn về tấn công mạng với nhau, trao đổi với các cơ quan nhà nước về an ninh mạng…
Với nhiều xu hướng như trên, điều gì là cốt lõi mà các ngân hàng cần lưu tâm khi triển khai ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng?
Chuyên gia cho rằng, có bốn điều cốt lõi các ngân hàng cần duy trì. Thứ nhất, bám sát chiến lược phát triển chung của ngân hàng, kết hợp với đánh giá nội tại thực trạng công nghệ của ngân hàng từ đó hình thành chiến lược ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng; trong đó có hai chiến lược mà các ngân hàng cân nhắc sử dụng là chiến lược quả cầu gai (tập trung ứng dụng công nghệ số trong nhiều mặt hoạt động) hoặc chiến lược con nhím (tập trung vào một mảng hoạt động mũi nhọn của mình).
Thứ hai, cân đối ngân sách dành cho việc triển khai ứng dụng công nghệ số. Ở đây cần “liệu cơm gắp mắm”, bởi đầu tư cho công nghệ số là một quá trình lâu dài, gồm nhiều công nghệ khác nhau và chi phí đầu tư rất lớn. Do vậy, các ngân hàng cần bám sát vào ngân sách dành cho hoạt động công nghệ của mình để lựa chọn việc triển khai ứng dụng công nghệ nào trong bảy xu hướng ứng dụng công nghệ số ở trên và cho mảng hoạt động nào cho phù hợp với ngân hàng mình.
Thứ ba, hình thành văn hóa ứng dụng công nghệ số trong tổ chức nhằm phát huy tính học hỏi, sáng tạo của toàn thể cán bộ nhân viên trong tổ chức. Đây là một trong những chìa khóa thành công và cũng là một cách tiết kiệm chi phí đầu tư trong hoạt động ứng dụng công nghệ số.
Và cuối cùng, đó chính là sự “cam kết” của ban lãnh đạo cao nhất ngân hàng trong việc dẫn dắt, cũng như theo đuổi chiến lược phát triển công nghệ số đã xác định một cách đồng bộ và nhất quán.
Nguồn: Vũ Hồng Thanh – Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV – Thời báo ngân hàng