Quản lý dòng tiền và chờ cơ hội

Quản lý dòng tiền và chờ cơ hội

Nhiều chuyên gia cho rằng, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng con người. Nên các doanh nghiệp lúc này cần quản lý tốt dòng tiền để chờ cơ hội và nếu có tiền mặt nên trả ngay các món nợ theo thứ tự ưu tiên.

Trong một báo cáo của NHNN chi nhánh TP.HCM gửi cho các cơ quan hữu quan về tình hình dịch bệnh cho biết, dịch bệnh đã tác động đến hoạt động doanh nghiệp, từ đó có nguy cơ gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Hiện cơ quan quản lý ngân hàng ở TP.HCM đã tiếp nhận phản ánh trực tiếp của 66 doanh nghiệp đề nghị được cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất do đang gặp khó khăn trong hoạt động.

Sau khi nhận được chỉ đạo của NHNN chi nhánh TP.HCM, các ngân hàng có quan hệ với những doanh nghiệp này để tiếp cận trực tiếp xem xét hỗ trợ; trong đó có hai doanh nghiệp đã được giảm 1,5% lãi suất khoản vay đang có dư nợ, 20 doanh nghiệp do bị tác động của dịch bệnh Covid – 19 đang gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm nên không có nhu cầu vay mới ngay lúc này.

Vốn tín dụng ngân hàng được hình thành từ tiền gửi tiết kiệm dân cư là chính, nên việc giảm lãi suất cho vay cũng đồng nghĩa các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận của mình chứ không thể yêu cầu người gửi tiền hy sinh tiền lãi để hỗ trợ người vay vốn. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Sacombank cho biết, hiện ngân hàng đang giảm lãi suất từ 1-2%, tối đa là 2,5% cho cá nhân, doanh nghiệp vay vốn bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid – 19 tùy theo hợp đồng tín dụng và mức độ sụt giảm doanh thu hoạt động của người vay vốn. Ngân hàng cũng sẽ kéo dài thời gian trả nợ cho người vay vốn trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ do ưu tiên chống dịch Covid. Từ đầu mùa dịch đến nay, ngân hàng này đã dừng trích dự thu và chuyển ra ngoại bảng khoảng 2.000 tỷ đồng dư nợ của cá nhân, doanh nghiệp vay vốn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hay như tại ACB, bên cạnh triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Từ Tiến Phát – Phó tổng giám đốc, ngân hàng này còn đang có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay thanh toán chi phí khôi phục kinh doanh ân hạn 12 tháng, sau 12 tháng mới thanh toán vốn gốc.

Theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT- NHNN, những cá nhân, doanh nghiệp vay vốn kỳ hạn 3 tháng hay 12 tháng nếu chứng minh được ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ được gia hạn nợ bằng đúng số thời gian kỳ hạn vay vốn ký trên hợp đồng tín dụng. Đặc biệt người vay vốn được gia hạn nợ một lần và vẫn có thể tiếp tục vay vốn mới cho phương án sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid- 19 lan nhanh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng và sụt giảm nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu. Điều đó chẳng những gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu để sản xuất mà nhiều sản phẩm làm ra cũng khó khăn trong khâu tiêu thụ. Sản xuất, xuất khẩu gặp khó khiến nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp cũng sụt giảm mạnh.

Nguyên tổng giám đốc một ngân hàng ở TP.HCM cho rằng, những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19 là những đơn vị có chi phí cố định bằng tiền cao. Theo thứ tự, chi phí trả lãi, trả vốn gốc vay nợ; thuế, phí; rồi còn chi phí thuê mặt bằng, nhà xưởng, kho bãi, duy trì vận hành hệ thống; chi phí nhân công và liên quan với doanh nghiệp nhiều lao động… Tất cả những chi phí này đang đè lên doanh nghiệp dù hoạt động đang “đóng băng” và hệ quả là nhiều doanh nghiệp không có doanh thu, không có dòng tiền để chi trả nợ lãi, thuế, phí… Nợ xấu của các ngân hàng vì thế cũng có nguy cơ tăng cao.

Trong bối cảnh hiện nay, vị này khuyên doanh nghiệp phải quản lý dòng tiền tốt, các chi phí phân bổ, khấu hao… có thể gây lỗ nặng nhưng không làm “chết” doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng con người. Nên các doanh nghiệp lúc này cần quản lý tốt dòng tiền để chờ cơ hội và nếu có tiền mặt nên trả ngay các món nợ theo thứ tự ưu tiên.

Hải Nam – Thời báo ngân hàng

 

Share this post