Quỹ Tín dụng nhân dân: Những rào cản cần gỡ bỏ

Quỹ Tín dụng nhân dân: Những rào cản cần gỡ bỏ

Quỹ Tín dụng nhân dân: Những rào cản cần gỡ bỏ

Cả nước hiện có 1.146 quỹ TDND hoạt động trên địa bàn 56/63 tỉnh, thành phố với 2.831 xã phường thị trấn; có gần 2.300.000 thành viên là các hộ gia đình chủ yếu ở khu vực nông nghiệp – nông thôn. Việc chuẩn hóa trong các cơ chế chính sách sẽ phát huy được vai trò, nhiệm vụ của quỹ tín dụng nhân dân, góp phần giải quyết được bài toán về vốn đối với sự phát triển của các thành phần KTTT ở từng địa phương.

Theo số liệu của Ban kinh tế Trung ương, đến 30/6/2015, tổng nguồn vốn hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân là 73.790 tỷ đồng (tăng gấp 2,63 lần so với 2010) trong đó vốn huy động là 67.172 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 55.118 tỷ đồng.

Trải qua hơn 22 năm thành lập và phát triển, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển KTTT trong lĩnh vực tín dụng ở nông thôn; khai thác được nguồn vốn tại chỗ, góp phần đáp ứng vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống của các thành viên, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và hạn chế cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển mô hình quỹ tín dụng nhân dân

Nhận diện quỹ TDND

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân cũng cần khắc phục một số điểm. Ông Nguyễn Quang Phú, Phó Giám đốc quỹ TDND Lại Yên (Hoài Đức, Hà Nội), cho rằng: “Một bộ phận quỹ TDND xa rời tôn chỉ mục đích chính của mình, chưa nhận thức đầy đủ về các nguyên tắc HTX được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra nhiều lỗ hổng trong việc triển khai thực hiện. Một số bộ phận không nhỏ quỹ tín dụng nhân dân hoạt động ở xã, phường ở những nơi kinh tế phát triển đang hướng hoạt động chạy theo mục tiêu lợi nhuận, thoát ly nguyên tắc HTX mà chỉ chú trọng quan tâm cho vay thương mại, thiếu

quan tâm đến nhiệm vụ hỗ trợ thành viên thông qua các loại hình sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng và phúc lợi cộng đồng xã hội khác”.

Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Quỹ TDND Đan Phượng (Hà Nội), nhận định: “Việc quản lý, điều hành kiểm soát của một bộ phận quỹ tín dụng nhân dân còn nhiều bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp, quản lý theo kiểu gia đình, thậm chí có biểu hiện lợi ích cục bộ nên không kịp thời phát hiện được yếu kém”.

Ngoài ra, việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về an toàn trong hoạt động của một bộ phận quỹ TDND chưa nghiêm túc, dẫn đến tình trạng rủi ro đạo đức, vi phạm pháp luật gây tổn thất về tài chính và an toàn trong hoạt động của một số quỹ tín dụng nhân dân.

Ông Nguyễn Đức Chiến, một thành viên của Quỹ TDND Lại Yên (Hoài Đức), cũng chia sẻ: “NHNN vừa ban hành Thông tư số 04/2015/TT-NHNN quy định về quỹ tín dụng nhân dân còn có nhiều bất cập, hạn chế, nhất là quy định về việc góp vốn của thành viên tại Điều 28 mục 3 Thông tư 04 quy định mức góp vốn của các thành viên tối thiểu là 300.000 đồng, mức vốn là góp thường niên tối thiểu là 100.000 đồng/năm, nếu đem số tiền tương đương hoặc lớn hơn ở một số ngân hàng khác sẽ không mất một khoản phụ phí nào, thậm chí còn có thêm những ưu đãi”.

 

(Tọa đàm quỹ TDND với thực thi Luật HTX 2012 tại Hà Nội)

(Tọa đàm quỹ TDND với thực thi Luật HTX 2012 tại Hà Nội)

Cần sớm có điều chỉnh

Theo ông Trần Quang Khánh – Chủ tịch HĐQT ngân hàng HTX Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Quỹ TDND Việt Nam, trước tiên, cần củng cố, chấn chỉnh các quỹ TDND yếu kém; hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân cần theo đúng tính chất loại hình TCTD, hoạt động theo Luật các TCTD và Luật HTX.

Cùng với đó, Nhà nước cũng cần ban hành các cơ chế chính sách về quản trị, điều hành nghiệp vụ nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân tuân thủ nguyên tắc HTX tự nguyện tự chủ trong quản lý, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động và tập trung chủ yếu vào mục tiêu hỗ trợ phát triển và phục vụ thành viên nhằm phát huy sức mạnh tập thể và của từng thành viên, giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động SX-KD.

Đặc biệt là quy chế đảm bảo tăng cường sự giám sát của các thành viên đối với quỹ TDND, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của quỹ TDND, đồng thời có chính sách thu hút thành viên mới, khuyến khích các thành viên tham gia đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với sự phát triển của quỹ tín dụng nhân dân.

Nghiên cứu thí điểm thành lập quỹ TDND ngành nghề ở một số lĩnh vực và địa bàn phù hợp nhằm rút kinh nghiệm, có định hướng phát triển cụ thể để hoàn thiện mô hình, tăng cường tính liên kết hỗ trợ trong hệ thống quỹ TDND.

Triển khai việc cơ cấu lại các quỹ tín dụng nhân dân theo mô hình bao gồm quỹ TDND cộng đồng và quỹ TDND ngành nghề trong giai đoạn 2015 – 2020. Cần nghiên cứu thí điểm thành lập các quỹ TDND ngành nghề ở một số cơ quan tổ chức Trung ương và địa phương nhằm rút kinh nghiệm và có định hướng phát triển cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta.

( trích thoibaokinhdoanh)

Share this post