Không thể hạ chuẩn tín dụng

Không thể hạ chuẩn tín dụng

Nếu hạ chuẩn tín dụng thì nguy cơ nợ xấu, thậm chí là mất vốn là rất lớn, từ đó gây mất an toàn cho hoạt động của các TCTD cũng như toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng của quốc gia.

Trả lời báo giới tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều 2/6 vừa qua, Phó Thống đốc Thường trực NHNN một lần nữa khẳng định, mặc dù NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh hỗ trợ nguồn vốn cho DN ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như phục hồi sau dịch, song không thể hạ chuẩn tín dụng. “Việc hỗ trợ vốn cho DN và đảm bảo chuẩn tín dụng phải được thực hiện song hành. Việc không hạ điều kiện tín dụng không làm ảnh hưởng đến hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân hiện nay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, đảm bảo nguồn vốn với lãi suất hợp lý cho nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng luôn là mục tiêu xuyên suốt trong điều hành của NHNN. Theo đó ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; các TCTD chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và thanh toán của nền kinh tế.

Ngay khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, NHNN cũng là một trong những bộ ngành đầu tiên triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng DN, người dân vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra, mà trong đó việc đảm bảo nguồn vốn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Theo đó, tại Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020, Thống đốc NHNN một lần nữa yêu cầu tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là để khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Để hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, chia sẻ bớt khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, NHNN đã hai lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm lên tới 1 – 1,5%/năm. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng được giảm 1%/năm về còn 5%/năm.

Hưởng ứng chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã triển khai nhiều gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp hơn từ 2%/năm đến 2,5%/năm so với thời điểm trước dịch để hỗ trợ DN. Lũy kế từ 23/1 đến nay doanh số cho vay đã đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, gấp gần 3 lần so với con số 250 nghìn tỷ đồng được nêu trong Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đó là với những DN có nhu cầu vay vốn, còn với những DN khó khăn chưa có nhu cầu vay vốn mới, nhu cầu hỗ trợ của họ tập trung vào những khoản vay cũ. Thấu hiểu điều đó, NHNN đã nhanh chóng ban hành Thông tư 01/2020-TT-NHNN tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ DN. Tính đến nay, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ  gần 1,13 triệu tỷ đồng…

Không dừng lại ở đó, NHNN còn liên tục tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các địa phương trong cả nước để lắng nghe những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các giải pháp hỗ trợ cũng như những kiến nghị từ phía DN. Trên cơ sở đó, NHNN đang xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 01 theo hướng mở rộng phạm vi hỗ trợ và kéo dài thời gian hỗ trợ cho DN.

Tuy nhiên, dù việc hỗ trợ có thể được mở rộng hơn, lãi suất cho vay có thể giảm, nhưng chuẩn tín dụng thì không thể hạ, đây là một nguyên tắc “bất di bất dịch”. Bởi ngân hàng “cho vay” chứ không phải là “cho không”, nguồn vốn mà các ngân hàng cho vay được hình thành từ nguồn tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế nên trách nhiệm của các ngân hàng là phải bảo toàn được nguồn vốn này. Nếu hạ chuẩn tín dụng thì nguy cơ nợ xấu, thậm chí là mất vốn là rất lớn, từ đó gây mất an toàn cho hoạt động của các TCTD cũng như toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng của quốc gia. Trong khi ai cũng hiểu, hệ thống ngân hàng có hoạt động an toàn, lành mạnh mới có thể hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế, cho DN vượt qua những khó khăn hiện nay.

Trên thực tế, bài học nợ xấu những năm trước đây do các ngân hàng chạy đua tăng trưởng tín dụng nóng vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… vẫn còn nguyên giá trị khi mà hiện hệ thống ngân hàng vẫn đang phải nỗ lực xử lý những khoản nợ xấu này.

“Việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây, hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Nguồn: Xuân Hải – Thời báo ngân hàng

Share this post