Siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn: Cần biện pháp quản lý dài hơi hơn
Siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn: Cần biện pháp quản lý dài hơi hơn
Chuyên gia cho rằng, về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước nên có những biện pháp quản lý có tính chất dài hơi hơn chứ không đơn thuần chỉ là biện pháp hành chính như hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trong đó, đối với tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ theo hai phương án.
Phương án 1, từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 40%; từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021, tối đa 35%; và từ ngày 01/7/2021, tối đa sẽ là 30%.
Phương án 2, từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 40%; từ 01/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021, tối đa 37%; từ 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022, mức tối đa là 34%; và từ 01/7/2022, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ là 30%.
Đánh giá về đề xuất này, trao đổi với phóng viên BizLIVE, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước dần siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là hợp lý.
“Về nguyên tắc, cơ cấu nguồn vốn huy động như nào thì phải cho vay như thế, không thể dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn được.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn quá nhiều trong khi nhu cầu vốn trung và dài hạn lại quá cao nên Ngân hàng Nhà nước buộc phải cho phép các ngân hàng cho vay vốn lệch pha với mức cao như vậy. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì có thể dẫn tới rất nhiều rủi ro”, chuyên gia này cho hay.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính thì cho rằng, lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra tương đối rõ ràng và cũng đủ dài để các ngân hàng thương mại có sự chuẩn bị.
“Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trung bình trong một vài năm qua của toàn hệ thống ở ngưỡng khoảng 30-32%. Theo đó, mức cho phép 40% từ giờ đến giữa năm 2020 có lẽ sẽ không phải là vấn đề lớn đối với các ngân hàng thương mại. Và lộ trình giảm xuống 30% đến giữa năm 2021 cũng khá dài, đủ để các ngân hàng có thể sắp xếp, cơ cấu lại nguồn vốn”, TS. Lực nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước nên có những biện pháp quản lý có tính chất dài hơi hơn chứ không đơn thuần chỉ là biện pháp hành chính như hiện nay.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra các chỉ số quản lý thanh khoản tổng thể thì không nhất thiết phải dùng tới biện pháp này. Ví dụ như có thể quản lý các ngân hàng thông qua chỉ số cho vay/vốn huy động hoặc thông qua độ lệch các kỳ hạn của các ngân hàng trong quá trình rà soát các cơ chế quản lý rủi ro của họ”, chuyên gia nêu ý kiến.
Cũng theo đánh giá của TS. Lực, việc siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể tạm thời làm tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, tuy nhiên, điều này không quá đáng lo ngại.
Bởi, một khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển hơn thì doanh nghiệp cũng sẽ chuyển sang kênh huy động vốn này. Và điều này cũng sẽ làm giảm nhu cầu vốn trung và dài hạn từ kênh ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương phát triển thị trường trái phiếu mà Chính phủ đã đề ra.
(Trích BizLive)