Sở hữu chéo ngân hàng: Sóng ngầm đang cuộn?
Sở hữu chéo ngân hàng: Sóng ngầm đang cuộn?
Mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm 2016 đã khép lại, trừ 2 nhà băng vốn tiếng tăm trong số các ngân hàng cổ phần vẫn chưa tổ chức được đại hội, đó là Eximbank và Sacombank. Nguồn cơn bắt đầu từ câu chuyện “sóng ngầm” nhân sự cấp cao của 2 ngân hàng này mà như nhận định của giới trong nghề – chính là sở hữu chéo.
Những cuộc tranh giành ghế
Ngày 24/5, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức lại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên. Bởi trước đó, ngày 29/4, Eximbank hoãn tổ chức do không đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. Được biết, hôm đó, có hai nhóm cổ đông lớn gửi thư yêu cầu cơ cấu lại số lượng thành viên HĐQT nhưng đến phút chót, chính họ bất ngờ không tham dự.
Sau ĐHĐCĐ Eximbank bất thành, câu chuyện tranh giành ghế vào Hội đồng quản trị (HĐQT) của nhóm cổ đông lan ra. Đồng thời, xuất hiện thông tin đang có nhóm cổ đông ngấm ngầm mua phiếu bầu, nhằm giành lợi thế trong ĐHĐCĐ sắp tới. Trong khi HĐQT Eximbank mới lại gây khó không muốn đưa 2 thành viên này vào danh sách bầu.
Ngày 21/5, ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch HĐQT Eximbank (người không sở hữu bất kỳ một cổ phiếu nào) cho hay: Vào giữa tháng 3/2016, nhóm cổ đông do bà Nguyễn Thị Xuân Loan, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nam Á, làm đại diện vốn cho anh trai Nguyễn Quốc Toàn, hiện là Chủ tịch ngân hàng Nam Á gửi thư đến Eximbank đề nghị bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT.
Theo ông Quốc, để dung hòa trách nhiệm giữa HĐQT cũ và HĐQT nhiệm kỳ mới, HĐQT mới đã đưa vào chương trình nghị sự của ĐHĐCĐ về việc bầu bổ sung thành viên theo đề nghị của 2 nhóm cổ đông. Đồng thời, báo cáo những điều nêu trên cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 27/4/2016. Ông Quốc nhấn mạnh: “Tôi khẳng định, HĐQT luôn tôn trọng các ý kiến cổ đông, không phân biệt cổ đông lớn hay nhỏ. Hơn nữa, việc bầu thêm thành viên HĐQT phải đúng trình tự pháp luật”.
Còn tại Sacombank, sóng ngầm cũng không kém. Tìm hiểu sâu xa nguồn cơn, sau việc NHNN bất ngờ phát đi thông tin ông Trầm Bê ủy quyền toàn bộ 51% số cổ phần đang nắm giữ tại Sacombank và cơ quan này sẽ cử đại diện vốn. Được biết, lãnh đạo NHNN đã họp, dự kiến ứng cử cho vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank. Việc Sacombank thông báo hoãn ĐHCĐ, ngoài lý do về câu chuyện nhân sự, có thể còn liên quan nhiều đến chờ minh bạch báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh của nhà băng này.
Khó như triệt tiêu sở hữu chéo
Trong báo cáo về bức tranh ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2011-2015, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Fullbright đã phác họa bức tranh sở hữu chéo của một số nhà băng. Với trường hợp Sacombank, TS Nguyễn Xuân Thành chỉ ra sự “lắt léo” trong suốt quá trình thâu tóm ngân hàng này mà ông Trầm Bê – Chủ tịch HĐQT Phương Nam Bank và nhóm cổ đông lớn của Eximbank từng dẫn dắt và sử dụng (chủ yếu liên quan việc không minh bạch trong quá trình sở hữu cũng như luân chuyển dòng tiền). Theo giới phân tích, do không minh bạch nên ông Trầm Bê phải bất ngờ “ủy quyền” cho NHNN chỉ định người đại diện cổ phần của mình.
Một chuyên gia khẳng định: Triệt tiêu hẳn sở hữu chéo ngân hàng rất khó thành hiện thực. “Thông tư 36 của NHNN đã cố gắng làm điều đó khi quy định các tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 5% cổ phần của ngân hàng khác và trên thực tế quy định này là chuẩn”, vị này nói. Xét chuyện của Eximbank, Sacombank, theo vị này sở dĩ vẫn có sóng ngầm là bởi gốc rễ sở hữu chéo tại hai nhà băng vẫn khá chằng chịt. “Đơn cử như tại Eximbank, với nhóm cổ đông đang lăm le muốn ngồi vào ghế thành viên HĐQT, xét đến cùng, đây là miếng bánh lợi ích bởi ai cũng muốn dẫn dắt ngân hàng. Điều quan trọng, những người ngồi ghế thành viên HĐQT phải thực sự đại diện cho tiếng nói và lợi ích chính đáng của một nhà băng”, vị này nói.
Ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank cho biết: “Ngày 20/5, một số cổ đông sáng lập đã về hưu cho chúng tôi hay, hiện có một số nhóm cổ đông tiến hành mua phiếu bầu đại hội bằng nhiều cách từ thuyết phục đến hăm dọa. Trước sự việc này, chúng tôi sẽ nhờ cơ quan pháp luật giám sát”. ĐHCĐ ngày mai (24/5) của Eximbank được dự báo có nhiều kịch tính.
(trích cafef)