Somalia sắp thành quốc gia không tiền mặt

Somalia sắp thành quốc gia không tiền mặt

Somalia sắp thành quốc gia không tiền mặt

Tại một trạm xăng ở Mogadishu, sau khi bơm đầy bình ôtô, Ahmed Farah Hassan chỉ cần vài cú bấm trên điện thoại là đã trả tiền xong.

“Mọi việc ngày nay trở nên rất dễ dàng. Tôi không cần phải mang tiền mặt nữa. Chỉ cần dùng điện thoại để trả hóa đơn mỗi lần mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ nào đó thôi. An toàn lắm”, Hassan – lái xe cho tổ chức phi chính phủ Kheyre Development & Rehabilitation Organization cho biết.

Trên đường phố Mogadishu, tiền mặt cũng đã biến mất, thẻ tín dụng trở nên không cần thiết, và việc mua sắm hàng ngày rất nhanh gọn, hiện đại. Dù Kenya mới là nước nổi tiếng với công nghệ tiền di động và ứng dụng trong cuộc sống, Somalia cũng đang trải qua quá trình tương tự. Hệ thống ngân hàng nước này đã bổ sung thêm, nếu không muốn nói là được thay thế bằng tiền di động.

Ngày càng nhiều người dân tại Somalia sử dụng dịch vụ tiền di động. Ảnh:Reuters

Ngày càng nhiều người dân tại Somalia sử dụng dịch vụ tiền di động. Ảnh:Reuters

Hãng viễn thông Hormuud thành lập năm 2002 trong thời buổi bất ổn chính trị tại Somalia tạm lắng. 6 năm trước, họ đã đưa dịch vụ tiền di động vào quốc gia Đông Phi này. Giờ đây, Hormuud là một trong ít nhất 3 công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại.

Ở Somalia, cứ 100 người thì lại có 51 người có điện thoại, tăng đáng kể so với 22 người cách đây 3 năm. Khoảng 40% người trưởng thành có tài khoản tiền di động, theo số liệu năm 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB).

Sau 2 thập kỷ nội chiến và đấu tranh chống khủng bố, kinh tế Somali trở nên kiệt quệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, quốc gia này đã dần hồi phục. Việc buôn bán trở nên sầm uất dọc các con đường ở trung tâm thủ đô Mogadishu. Điện thoại giúp người dân mọi việc, từ mua đồ trong siêu thị, mua cam ngoài chợ, đánh giày trên đường hay mua tách trà ở quán vỉa hè.

Năm 2011, Hormuud bỏ hệ thống cũ và đưa vào dịch vụ tiền điện tử EVC Plus, hiện có hơn 2,5 triệu người dùng. CEO của hãng – Ahmed Mohamed Yusuf cho biết người Somalia sống ở nước ngoài đã giúp dịch vụ này thêm phát triển. Do hàng năm, họ gửi khoảng 1,6 tỷ USD về nước.

EVC Plus hiện có hơn 2,5 triệu người dùng. Ảnh: QZ

EVC Plus hiện có hơn 2,5 triệu người dùng. Ảnh: QZ

Những năm gần đây, thiếu hệ thống ngân hàng bán lẻ và nỗi sợ chính trị bất ổn đã khiến dịch vụ này ngày càng trở nên quan trọng trong việc tái thiết đất nước. Hormuud giữ tiền của khách hàng, đóng vai trò như nhà băng vậy.

“Lý do chính dịch vụ này được áp dụng là hệ thống ngân hàng ở đây quá hạn chế. Mang tiền theo người cũng rất rủi ro, do chính trị còn bất ổn và chỉ vừa hồi phục sau hơn 2 thập kỷ hỗn loạn”, Yusuf cho biết.

Hormuud thiết kế phần mềm EVC Plus với sự trợ giúp của Safaricom – công ty cung cấp dịch vụ M-Pesa nổi tiếng tại Kenya. Dù vậy, M-Pesa hoạt động với nội tệ Kenya, còn Hormuud sử dụng USD. Đây là tiền tệ ưa thích tại Somalia, dù đồng shilling Somali vẫn còn trong lưu thông.

Người dùng có thể chuyển tiền tối đa 3.000 USD mỗi ngày. EVC Plus cũng cho phép họ thanh toán tiền điện thoại cho bản thân và gia đình, trả hóa đơn điện nước và chuyển tiền. Người dùng cũng có thể thiết lập chế độ tự động thanh toán, tin nhắc nhở qua SMS và thông báo tình hình tài chính mà không cần kết nối Internet.

Gần như mọi người bán tại Mogadishu, kể cả hàng rong, đều chấp nhận thanh toán bằng điện thoại sử dụng EVC Plus. “Mang tiền mặt ở đây chẳng an toàn chút nào. Nếu có ai mua giày hay vòng cổ của tôi, họ sẽ trả bằng điện thoại. Tôi không nhận tiền mặt đâu”, Dhublawe Ibrahim Aden (25 tuổi) cho biết.

(trích vnexpress)

Share this post