Tái cơ cấu ngân hàng: Không ngủ quên trên chiến thắng
Tái cơ cấu ngân hàng: Không ngủ quên trên chiến thắng
Với thông điệp của ngành Ngân hàng thì không chỉ giữ được kết quả tái cơ cấu trong giai đoạn vừa qua mà phải tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các TCTD tốt hơn nữa.
Thành công trong tái cơ cấu giai đoạn vừa qua đã mang tới diện mạo mới cho hệ thống các TCTD. Từ nguy cơ đổ vỡ, hệ thống các TCTD đã được thu gọn và hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả hơn. Nhưng ngành ngân hàng luôn nhắc nhở nhau, không nên ngủ quên trên chiến thắng mà hãy nhìn lại để bước tiếp, để xây dựng hệ thống các TCTD vươn lên bằng bè bạn trong khu vực.
“Hai năm tư” đã về đích
Nhìn vào ngành ngân hàng giai đoạn vừa qua, không chỉ giới doanh nghiệp mà ngay cả với những người chỉ thi thoảng mới giao dịch với ngân hàng cũng có thể dễ dàng nhận thấy những thay đổi ở nhiều lĩnh vực như: mặt bằng lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng hướng vào chất, sản phẩm dịch vụ đa dạng…
Tất cả những điểm tích cực đó được cộng hưởng từ thành quả của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ mà giới ngân hàng quen gọi là Đề án “hai năm tư”.
Trong lời chia sẻ tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, nhớ lại, hồi đầu nhiệm kỳ 2011 – 2015, các biến động về tỷ giá, lãi suất, thị trường vàng trên thị trường là rất lớn.
Khi đó, ông và các thành viên Chính phủ họp bàn để đưa ra các giải pháp về kinh tế – xã hội và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng còn lo lắng đến sự đổ vỡ cả hệ thống. Ngay cả khi xây dựng chương trình để tái cơ cấu nền kinh tế, để trình ra Quốc hội cũng phải mất vài năm mới trình ra được chứ không phải được ngay sau năm 2011.
“Nên chúng ta nói giai đoạn 5 năm nhưng quá trình thực hiện, triển khai các đề án, trong đó có cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thực ra là rất ngắn” – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhớ lại.
Để đạt được thành công như vậy, ngành ngân hàng đã trải qua không ít gian nan. Chẳng vậy mà trong một hội nghị với đầy đủ “bá quan, văn võ” trong ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã phải thốt lên hai chữ “rùng mình” khi nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua. Hai chữ này bao hàm nhiều ý nghĩa.
Nếu so sánh hệ thống ngân hàng còn nhiều yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ thời điểm trước khi tái cơ cấu với hệ thống ngân hàng vững vàng, tự tại hôm nay thì thật khó để không có cảm giác “rùng mình” đó khi nghĩ lại. Nhất là trước áp lực từ dư luận đối với cả quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Và năm cuối của giai đoạn tái cơ cấu, việc NHNN mua lại 3 NHTMCP là OceanBank, VNCB, GP Bank với giá 0 đồng cũng là một minh chứng sinh động và mới nhất.
Chia sẻ với hệ thống ngân hàng, một chuyên gia tài chính – ngân hàng bình luận, chỉ cần bạn sửa một ngôi nhà cũng đã nhận được những ý kiến khác từ các thành viên trong gia đình, chứ chưa nói tới các “góp ý” bên ngoài. Do đó, việc tái cơ cấu lại một hệ thống ngân hàng – “huyết mạch nền kinh tế” thì tránh sao được “lời ra, tiếng vào” từ dư luận và người dân. Điều quan trọng là những người làm chính sách luôn kiên định, bằng cái tâm, sự nỗ lực để mang đến thành công.
Và kết quả của hoạt động cơ cấu lại các TCTD không chỉ đơn thuần đạt được về mặt “số học” là giảm 17 TCTD mà còn tránh cho NH đổ vỡ, lành mạnh hệ thống. Thử hỏi xem nếu để một ngân hàng đổ vỡ, phá sản khi có tới cả triệu khách hàng gửi tiền thì hệ lụy của nó sẽ lớn như thế nào đối với nền kinh tế, thậm chí còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Hay như tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã nói rằng, nhiệm kỳ vừa qua của ngành NH là một nhiệm kỳ chống đổ vỡ, quả cũng không sai!
Bước tiếp theo thế nào?
Người Việt Nam thường có câu nói “đạt được đã khó, giữ được kết quả còn khó hơn”, nhưng với thông điệp của ngành NH thì không chỉ giữ được kết quả tái cơ cấu trong giai đoạn vừa qua mà phải tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các TCTD tốt hơn nữa.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đưa ra thông điệp, trong 5 năm tới hệ thống sẽ còn khoảng 15 NH. Đặc biệt, không cứ là NH nhỏ hay lớn, mà NH nào yếu kém sẽ tiếp tục nằm trong diện tái cơ cấu. NH nhỏ nhưng có tình hình tài chính tốt, hoạt động theo dạng “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, trong sáng, lành mạnh, hoạt động khiêm tốn vừa phải thì vẫn được giữ nguyên, ngược lại NH lớn mà yếu kém thì vẫn tiếp tục phải cơ cấu lại.
Người đứng đầu ngành NH cũng nhấn mạnh: Thông qua tái cơ cấu, chất lượng các TCTD phải tốt và các chuẩn mực quốc tế sẽ được áp dụng từng bước cho phù hợp.
Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát NH (NHNN) cho rằng, giai đoạn tới sẽ phát triển hệ thống các TCTD theo hướng đa năng, hiện đại, hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình, có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị NH tiên tiến, chuẩn mực an toàn hoạt động phù hợp với thông lệ…
Theo TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua sẽ tạo nền tảng vững chắc cho ngành NH thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020.
Trong đó, theo ông ngành ngân hàng cần phải tổng hòa các giải pháp từ cả nền kinh tế chứ không riêng hệ thống ngân hàng. Như: cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh công bằng minh bạch; thực hiện đồng bộ cả tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và cơ cấu hệ thống ngân hàng mạnh mẽ hơn.
Đồng thời phải tìm ra giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề tài sản của các ngân hàng, đặc biệt là thủ tục pháp lý liên quan tới giải quyết tài sản thế chấp đến thời điểm này còn ách tắc, cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành có liên quan.
Còn theo TS. Trần Du Lịch – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong giai đoạn 2016-2020, cần phải xây dựng vài NH tầm cỡ khu vực. Do đó, Chính phủ, NHNN phải chọn ra vài ngân hàng có tiềm lực, để đầu tư cho các ngân hàng này phát triển đến tầm cỡ. “Tầm cỡ ở đây là tầm cỡ về vốn, về năng lực quản trị, về tài sản, tầm hoạt động nó mang tính khu vực” – ông Lịch nhấn mạnh.
( trích thoibaonganhang)