Điều chỉnh hạn mức bảo hiểm tiền gửi để nâng cao niềm tin công chúng

Điều chỉnh hạn mức bảo hiểm tiền gửi để nâng cao niềm tin công chúng

Theo IADI, hạn mức BHTG cần được xem xét lại và điều chỉnh khi cần thiết do các yếu tố như: lạm phát, tăng trưởng thu nhập thực tế, sự phát triển của các công cụ tài chính mới, và sự tác động của các yếu tố trên đến thành phần và quy mô của tiền gửi.

Nguyên nhân là bởi hiệu quả thực tế của hạn mức BHTG có thể giảm dần theo thời gian, do lạm phát, cấu phần và quy mô của các khoản tiền gửi có thể thay đổi… Do đó, điều chỉnh phạm vi và hạn mức bảo hiểm định kỳ là cần thiết. IADI cho rằng, những điều chỉnh về phạm vi và hạn mức BHTG có thể tiến hành mà không dự tính trước hoặc có thể được thực hiện tự động căn cứ trên các chỉ số cập nhật.

Theo thông lệ quốc tế, có nhiều cơ sở và chỉ tiêu để xác định hạn mức BHTG. Trước đây, các nhà hoạch định chính sách thường căn cứ vào GDP bình quân đầu người để đánh giá về sự phù hợp của hạn mức. Trung bình, hạn mức BHTG thường sẽ gấp 2 lần GDP bình quân đầu người của quốc gia đó. Trong các tài liệu mới hơn, IADI khuyến nghị hạn mức hiệu quả cần bảo vệ toàn bộ đối với khoảng 90% đến 95% người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng. Tổ chức BHTG ngày càng được xem là có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin của người gửi tiền nói chung, bảo vệ dòng vốn của nền kinh tế và đảm bảo việc xử lý đổ vỡ của tổ chức tín dụng với chi phí tối thiểu. Do đó, việc bảo vệ toàn bộ cho đại đa số người gửi tiền giúp tăng cường vai trò của hệ thống BHTG trong mạng an toàn tài chính quốc gia.

Trong khi đó, tại Việt Nam, kể từ năm 2017, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức BHTG là 75 triệu đồng với mỗi cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG, bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều thay đổi khi GDP và GDP bình quân đầu người liên tục tăng. Hệ thống ngân hàng từng bước được ổn định và có những bước phát triển mạnh mẽ. Số người gửi tiền trên toàn hệ thống cũng như tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm trong hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng theo các năm. Trong khi đó, nguồn lực tài chính của BHTG Việt Nam cũng ngày càng lớn mạnh. Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt hơn 79 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt khoảng hơn 73 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Quỹ dự phòng nghiệp vụ thể hiện khả năng chi trả ngay lập tức của BHTG Việt Nam khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam tăng cho thấy khả năng chi trả ngay lập tức của BHTG Việt Nam đáp ứng tốt được nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm.

BHTG Việt Nam cho biết, tổ chức này hiện đang bảo vệ cho người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, gồm các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Hợp tác xã, và các tổ chức tài chính vi mô. Thời gian qua, chính sách BHTG đã góp phần hỗ trợ để các tổ chức tín dụng này phát triển bền vững, an toàn. Bên cạnh đó, chính sách BHTG cũng củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với các tổ chức tham gia BHTG, không phân biệt quy mô hoạt động lớn hay nhỏ. Thông qua các hoạt động nghiệp vụ BHTG, sau 22 năm hoạt động, BHTGVN đã triển khai hiệu quả các mảng nghiệp vụ, trực tiếp và gián tiếp bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Sau khi Luật BHTG được ban hành vào năm 2012 và đặc biệt là sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành năm 2017, BHTG Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Với những nỗ lực đó, từ năm 2015 tới nay chưa xảy ra đổ vỡ TCTD. Hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn. Do đó, quyền lợi của người gửi tiền hoàn toàn được đảm bảo.

Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống ngân hàng đang hoạt động ổn định, không có rủi ro hệ thống, song việc điều chỉnh nâng hạn mức BHTG là cần thiết để theo kịp những bước phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hạn mức BHTG cao hơn cũng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, qua đó nâng cao hơn nữa niềm tin công chúng.

Nguồn: N. Quế – Thời báo ngân hàng

Share this post