Tăng trưởng tín dụng giữ nhịp độ ổn định
Tăng trưởng tín dụng giữ nhịp độ ổn định
Còn theo số liệu cập nhật gần đây, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 8 đã đạt 9,64% so với cuối 2015. Theo đó, chỉ trong một tuần cuối tháng 8 vừa qua, thay đổi về con số tăng trưởng tín dụng là đáng kể. Đây cũng là diễn biến thường thấy trong thời gian qua.
Đặt trong diễn biến chung từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng diễn ra với nhịp độ khá ổn định; hoạt động tiếp vốn của hệ thống rải khá đều từ đầu năm. Theo đó, 2016 dự kiến sẽ là năm đầu tiên tăng trưởng tín dụng có khác biệt lớn so với nhiều năm trở lại đây, rải đều qua các tháng thay vì tăng trưởng thấp hoặc âm đầu năm rồi dồn mạnh vào cuối năm.
Cũng theo thông cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 8/2016, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế; tín dụng bất động sản và các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát nhưng không ảnh hưởng đến tín dụng bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến tháng 8/2016 ước đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, tăng 6,64% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng ở khoảng 18-20%, có thể linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu thực tế.
Trên cơ sở định hướng đó, Ngân hàng Nhà nước xét và giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng tổ chức tín dụng để thực hiện. Với cơ chế này, những tổ chức tín dụng có nợ xấu cao, có dư nợ tập trung quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro, hoặc gặp khó khăn trong đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động…, có thể sẽ bị giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.