Tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm khó bứt phá khi dịch Covid-19 tái bùng phát

Tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm khó bứt phá khi dịch Covid-19 tái bùng phát

(VNF) – BVSC kỳ vọng tín dụng trong nửa cuối năm nay sẽ có sự cải thiện so với nửa đầu năm. Tuy vậy, mức độ cải thiện sẽ không quá lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 mới quay trở lại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng sản xuất kinh doanh.

Báo cáo vĩ mô tháng 7/2020 được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố mới đây đã đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam dựa trên số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê.

Đầu tiên, BVSC nhấn mạnh đến chỉ số sản xuất công nghiệp. Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp hiện đã cao hơn mức trước khi có dịch bệnh nhưng mức tăng lũy kế 2,6% còn cách khá xa so với mức tăng trưởng trung bình 9-10% trong các năm gần đây.

Theo đánh giá của BVSC, sự phục hồi của nền kinh tế sau đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4 đang diễn ra ở phía cung nhiều hơn ở phía cầu. Nếu trong các tháng tới, sự phục hồi của cầu tiếp tục không theo kịp với cung, tồn kho trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục tăng (đã tăng 25% trong nửa đầu năm 2020), qua đó sẽ gia tăng sức ép giảm giá và ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Cũng trong tháng 7, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7/2020 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp doanh số bán lẻ có sự hồi phục trở lại. Tuy vậy, tính lũy kế 7 tháng đầu năm nay, doanh số bán lẻ vẫn đang giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

BVSC cho rằng với việc dịch bệnh Covid-19 quay trở lại Việt Nam trong những ngày cuối tháng 7 dẫn tới thực hiện lệnh giãn cách xã hội tại một số địa phương như Đà Nẵng, Hội An (đều là các điểm du lịch trọng điểm), sự phục hồi của doanh số bán lẻ trong tháng 8 sẽ chững lại, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành có thể sẽ có mức sụt giảm lũy kế sâu hơn so với tháng 7.

Về đầu tư công, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 7/2020 đạt 45.653 tỷ đồng, tăng 13,6% so với tháng trước và 55% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giải ngân trong một tháng cao nhất kể từ tháng 1/2014 đến nay.

Theo kế hoạch của Chính phủ, tổng vốn đầu tư từ NSNN cho cả năm 2020 là 700 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã giải ngân được 154 nghìn tỷ đồng. Như vậy, dư địa để giải ngân cho 6 tháng cuối năm lên tới 545 nghìn tỷ đồng.

“Tuy vậy, chúng tôi không kỳ vọng Chính phủ sẽ giải ngân được hết số tiền trên. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng giải ngân vốn đầu tư từ NSNN trong nửa cuối năm 2020 sẽ tăng khoảng 25-30% so với cùng kỳ các năm gần đây, tức đạt mức 250-280 nghìn tỷ đồng”, chuyên gia của BVSC nhận định.

Liên quan đến xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 146 tỷ USD, tăng 0,2%, trong khi nhập khẩu đạt 139,5 tỷ USD, giảm 2,8%. Việc nhập khẩu suy giảm mạnh hơn xuất khẩu đã giúp cán cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Theo đánh giá của BVSC, mặc dù là một nền kinh tế mở với quy mô xuất nhập khẩu chiếm gần 200% GDP nhưng việc xuất khẩu vẫn tăng trưởng 0,2% trong 7 tháng đầu năm là diễn biến rất đáng khích lệ đối với Việt Nam, đặt trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia đều suy giảm từ 20-40%.

“Với việc các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU đã và đang dần mở cửa lại nền kinh tế, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ dần cải thiện hơn trong hai quý cuối năm. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cho cả năm 2020 sẽ ở mức 3-5%”, BVSC nêu quan điểm.

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 tăng 0,4% so với tháng 6 và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số CPI tăng so với tháng liền trước.

BVSC cho rằng nguồn cung thịt lợn đang dần tăng trở lại trong khi cầu có thể sẽ suy giảm trong thời gian tới do tác động từ việc dịch Covid-19 đang quay trở lại Việt Nam sẽ là nhân tố khiến giá mặt hàng thịt lợn khó tăng mạnh trong các tháng tới.

Ngay cả tại Trung Quốc thì giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng liên tục đi xuống kể từ tháng 2/2020 cho đến nay, cho thấy nước này nhiều khả năng đã kiểm soát được đà tăng giá của thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi.

Tình hình thiên tai tại Trung Quốc có thể sẽ khiến giá lương thực thưc phẩm tăng trở lại nhưng theo quan điểm của BVSC, rủi ro này sẽ chỉ mang tính ngắn hạn. Công ty chứng khoán này duy trì dự báo CPI trung bình cho cả năm 2020 sẽ dao động quanh mức 3,5%.

Ở hoạt động ngân hàng, mặc dù trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có hoạt động bơm/hút ròng vốn đáng kể nào thông qua thị trường mở (OMO). Tuy vậy, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái dồi dào, thể hiện qua mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp kỷ lục (0,15-0,3%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần).

BVSC kỳ vọng tín dụng trong nửa cuối năm nay sẽ có sự cải thiện so với nửa đầu năm. Tuy vậy, mức độ cải thiện sẽ không quá lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 mới quay trở lại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, BVSC cũng dự báo sau khi đã mạnh tay cắt giảm lãi suất điều hành 2 lần trong nửa đầu năm, NHNN sẽ không chú trọng mục tiêu giảm thêm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm. Thay vào đó, NHNN sẽ chuyển mục tiêu từ cố gắng giảm lãi suất sang các mục tiêu khác như: tháo gỡ các rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn sau dịch Covid-19, nới room tín dụng cho các ngân hàng, thậm chí tái cấp vốn cho các dự án đầu tư công có độ lan tỏa cao.

Ngoài ra, tỷ giá USD/VND đang giảm về vùng giá mua vào của NHNN, qua đó giúp cải thiện dự trữ ngoại hối nên nhiều khả năng cũng sẽ có một lượng tiền VND mới được bơm vào hệ thống ngân hàng. Trên cơ sở đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng được dự báo vẫn ở trạng thái tích cực trong tháng 8.

Share this post