Thanh toán số tăng tốc

Thanh toán không dùng tiền mặt có bước phát triển mạnh mẽ

Thanh toán số tăng tốc

Thói quen thanh toán của người dân đã có sự dịch chuyển lớn sau hai năm trải qua đại dịch, kéo theo nhiều phương thức thanh toán số ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như: thẻ chip, QR code, ví điện tử, ứng dụng Mobile Banking… Thanh toán số sau đại dịch đang chứng kiến những bứt tốc mạnh mẽ.

Chuyển dịch thói quen thanh toán

Thời gian qua, hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ Việt Nam đã tiệm cận hơn với trình độ công nghệ của thế giới. Các hình thức thanh toán đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam như thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile Banking,… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.

Ông Lê Văn Tuyên – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, NHNN đã tập trung triển khai một số giải pháp thúc đẩy TTKDTM, đặc biệt là việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách. Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu bốn mục tiêu chủ yếu: tạo sự chuyển biến về TTKDTM với mức tăng trưởng cao; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu CMCN 4.0 để đổi mới và phát triển hạ tầng thanh toán; đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật hoạt động TTKDTM; phấn đấu đạt một số mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM…

Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ. “Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến…”, ông Tuyên cho biết.

Những năm gần đây, thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực được đẩy mạnh. Một trong những giải pháp quan trọng là việc ra mắt Cổng Dịch vụ công Quốc gia chính thức vào ngày 9/12/2019. Nhiều nhóm dịch vụ công đến nay đã được triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử đem lại sự thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho người dân.

Ông Nguyễn Quang Minh – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, hiện nay công ty đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán tới 48 địa phương, 15 đơn vị là các Bộ/Cục/cơ quan cung cấp dịch vụ công để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho 5 nhóm dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia gồm: nộp bảo hiểm xã hội, thuế bất động sản, nộp phạt vi phạm giao thông, tạm ứng án phí và thanh toán phí, lệ phí. Các phương thức TTKDTM do NAPAS triển khai gồm thanh toán qua thẻ chip do các ngân hàng phát hành, thanh toán qua số tài khoản ngân hàng và phương thức thanh toán bằng mã VietQR mới được triển khai phối hợp cùng hai ngân hàng là NCB và Nam A Bank vào tháng 1/2022. Thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục mở rộng triển khai thanh toán nhiều dịch vụ như học phí, viện phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó nhân rộng mô hình trên nhiều kênh thanh toán khác.

Nâng cao trải nghiệm khách hàng

Với vai trò là công ty thanh toán quốc gia, đại diện NAPAS cho biết đơn vị này sẽ xây dựng, cài đặt hạ tầng thanh toán mạnh, dự phòng tăng trưởng nóng với số lượng giao dịch qua hệ thống của NAPAS. NAPAS cũng đã triển khai bộ sản phẩm thẻ chip nội địa (thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ tín dụng nội địa) nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng; phát triển các loại giao dịch thẻ hỗ trợ cho các loại hình giao dịch trả góp, giao dịch thanh toán nhanh… NAPAS thời gian qua cũng tập trung phát triển thẻ chip đa ứng dụng (trên một chip có thể chạy đồng thời ứng dụng của ngân hàng và ứng dụng của các lĩnh vực như giao thông, y tế, bảo hiểm…).

Thông tin về kế hoạch phối hợp của NAPAS với các ngân hàng, trung gian thanh toán phát triển củng cố hạ tầng chấp nhận thanh toán của NAPAS, ông Minh cho biết, NAPAS sẽ thực hiện kết nối liên thông mạng lưới chấp nhận thanh toán QR code của tất cả các đơn vị để khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán này có thể thanh toán ở bất kỳ điểm chấp nhận thanh toán do bất kỳ đơn vị nào phát triển. Hiện nay, NAPAS đã cho ra đời QR code tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở này với ứng dụng mang tên là VietQR, được sử dụng đầu tiên để thực hiện liên thông thanh toán xuyên biên giới giữa Việt Nam – Thái Lan theo chỉ đạo của NHTW hai nước.

Dưới góc độ NHTM có sự phát triển vượt bậc trong thanh toán số 5 năm trở lại đây, bà Phạm Thị Mai Anh – Giám đốc Trung tâm sản phẩm, Khối Ngân hàng số (MB) cho hay, MB tập trung vào việc gắn sản phẩm đáp ứng tới từng nhu cầu nhỏ trong cuộc sống của khách hàng. Theo bà Mai Anh, có những quy trình trước kia mất tới 3 – 4 tháng mới ra được sản phẩm song lại không đáp ứng được đúng nhu cầu khách hàng. Chúng tôi đã thay đổi để đưa ra sản phẩm mới và liên tục sửa đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng. Khi sản phẩm được khách hàng đón nhận thì ngân hàng mới đưa ra các tính năng bổ sung. MB cũng đang có chiến lược hướng tới thúc đẩy thanh toán đối với đối tượng là các khách hàng trẻ, thông qua ứng dụng phát hành thẻ ảo giúp tiết kiệm chi phí hơn, gia tăng thanh toán số. Bà Mai đề xuất cơ quan quản lý nghiên cứu việc cho phép thanh toán không qua xác thực với thanh toán nhỏ, phương tiện công cộng.

Đại diện Chi hội thẻ – Hiệp hội Ngân hàng, ông Lê Thanh Hà cho rằng, các chuẩn mực của ngân hàng Việt Nam hiện nay đã có sự tương đồng với các tiêu chuẩn quốc tế, nên công tác phòng ngừa rủi ro, an toàn, bảo mật phải được đặt lên hàng đầu thì thị trường thanh toán mới phát triển nhanh và bền vững được. Đặc biệt, khi số lượng phát hành thẻ thanh toán lớn, các ngân hàng cần có chế độ bảo mật cao, cho phép chủ thẻ cùng ngân hàng kiểm soát giao dịch chủ động như đóng mở thẻ, dịch vụ, hạn mức thanh toán…

PGS.TS. Hoàng Xuân Quế – Viện trưởng Viện Tài chính-Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân:

Ngân hàng đã tích cực đổi mới, cải tiến

Có thể nói trong quá trình thực hiện Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2015-2020, với nỗ lực của toàn hệ thống, ngân hàng đã làm thay đổi khá lớn nhận thức, tập quán, thói quen tiêu dùng tiền mặt chuyển sang TTKDTM của người dân. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 là đòn bẩy thúc đẩy nhanh xu hướng TTKDTM mặt trên toàn thế giới. Nếu như trước đây người dân còn ngại ngần trong việc sử dụng tài khoản ngân hàng, nhưng hiện nay khi mà mọi người hạn chế tiếp xúc với nhau, việc sử dụng thẻ ngân hàng phổ biến hơn rất nhiều. Cộng thêm cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam ngày một phát triển hơn, số lượng người sử dụng điện thoại di động, đặc biệt điện thoại thông minh phổ biến hơn đã hỗ trợ tích cực cho phát triển TTKDTM.

Thực tế, nhiều gia đình đã thực hiện việc thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền học phí của con qua các phương thức điện tử. Đây là xu hướng tốt cho triển khai TTKDTM ở Việt Nam. Giới trẻ cũng là tác nhân mạnh mẽ thúc đẩy tiến trình TTKDTM. Phát triển thanh toán số là xu hướng tất yếu và Việt Nam cũng sẽ không thể đứng ngoài cuộc trong dòng chảy này.

Về phía tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, lâu nay các NHTM chịu trách nhiệm triển khai các dịch vụ thanh toán với khách hàng là chủ yếu. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của công nghệ, chúng ta đang chứng kiến các sản phẩm của các công ty Fintech và sự ưa chuộng của người dân đối với các sản phẩm công ty Fintech ngày một nhiều hơn. Có thể nói, sự ra đời của các công ty Fintech đã buộc các ngân hàng phải đổi mới, cải tiến nếu không muốn tụt hậu.

Về phía cơ quan quản lý, cuối năm 2021, NHNN đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Với những giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực của cả hệ thống, tôi hy vọng rằng những mục tiêu của Đề án sẽ đạt được vào cuối năm 2025.

Bà Phan Thị Thanh Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank:

Đẩy mạnh kết nối các dịch vụ công

Chúng ta đều thấy sau giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, những giao dịch thẻ, giao dịch thanh toán trên Mobile Banking được các ngân hàng đẩy mạnh hơn rất nhiều. Hiện giờ không chỉ Agribank mà hầu hết các ngân hàng đều có những chương trình miễn phí dịch vụ để khuyến khích khách hàng chi tiêu, đi cùng với đó là những chính sách hoàn tiền, thêm giá trị gia tăng cho khách hàng.

Về phía ngân hàng, chúng tôi đang tìm mọi giải pháp hỗ trợ khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Giai đoạn vừa rồi, thực hiện chủ trương của NHNN là chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đảm bảo an toàn cho khách hàng song chi phí ngân hàng bỏ ra tương đối lớn, tiện ích mang lại chưa có nhiều khác biệt. Tôi cho rằng, vai trò của NAPAS ở đây rất lớn, và cũng kiến nghị NAPAS đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công, như bệnh viện, xe điện trên cao… để sử dụng thẻ chip nội địa trong thanh toán chỉ thông qua một chạm. Nếu có những tiện ích như vậy thì khách hàng sẽ hào hứng hơn khi sử dụng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Nguồn: Minh Khôi – Thời báo ngân hàng

Share this post