Thí điểm Mobile Money: Tiến gần hơn với tài chính toàn diện
Hiện nay ở Việt Nam, tổng số thuê bao điện thoại di động xấp xỉ là 125 triệu, điều này cho phép hy vọng khi triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ về thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục, dịch vụ công… qua đó thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA), Mobile Money đã có mặt ở gần 100 quốc gia, trong đó có hơn 1 tỷ tài khoản đăng ký và số lượng tài khoản duy trì hoạt động là 372 triệu. Số lượng giao dịch bình quân qua kênh Mobile Money đạt 37,1 tỷ giao dịch, với tổng giá trị giao dịch lên đến 690 tỷ USD.
Còn tại Việt Nam, ngày 9/3/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Quyết định này nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường.
Mục tiêu cho việc thí điểm Mobile Money nhằm góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam. Đồng thời tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh TTKDTM trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.
Trao đổi với phóng viên, giới chuyên gia đều cho rằng Mobile Money nếu được triển khai rộng rãi sẽ giúp mọi người dân có thể sử dụng dịch vụ tài chính đơn giản, dễ dàng nhất, và có thể được thực hiện ở bất kỳ nơi nào nếu như có hạ tầng mạng, thu hẹp dần khoảng cách trong tiếp cận các dịch vụ tài chính đối với người dân, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam. Chính phủ cũng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Mobile Money khác biệt lớn nhất với Ví điện tử ở chỗ là tài khoản điện tử được mở dựa trên thuê bao di động, dành cho thanh toán hàng hoá, dịch vụ giá trị nhỏ nhưng không nhất thiết phải có tài khoản ngân hàng. Trong khi Ví điện tử là tài khoản điện tử được tích hợp trên ứng dụng điện thoại song yêu cầu phải được liên kết với một tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng Mobile Money là việc sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động. Bởi vậy, theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), cũng không phải quá lo lắng vấn đề sim rác, bởi những thông tin nào của thuê bao di động định danh rồi mới được mở tài khoản Mobile Money.
Trong trao đổi với báo giới, liên quan tới băn khoăn việc khi Mobile Money được cấp phép thì liệu sau một đêm có hàng chục triệu tài khoản Mobile Money hay không, ông Dũng cho hay sẽ không có chuyện này. Bởi quyền mở tài khoản Mobile Money hay không là lựa chọn của khách hàng, khi đã có tài khoản Mobile Money khách hàng còn có quyền lựa chọn thứ hai là có nộp tiền vào hay không, lựa chọn thứ ba là khi có tiền rồi thì có sử dụng tiền này để mua bán hay không hoàn toàn đều phụ thuộc vào khách hàng.
Bên cạnh sự tiện lợi, chi phí thấp, thúc đẩy TTKDTM, việc triển khai Mobile Money một cách hiệu quả cũng đòi hỏi đi cùng với đó là những biện pháp chặt chẽ đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin để hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản, đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia ngân hàng, cần phải có những biện pháp, quy định cụ thể để kiểm soát lượng tiền di động các doanh nghiệp viễn thông cung cấp tương ứng với số tiền khách hàng đã nộp vào. Cộng thêm vào đó các doanh nghiệp viễn thông phải đảm bảo được dữ liệu để định danh khách hàng sử dụng thuê bao di động là chính xác, hay nói cách khác là chuẩn hoá kho dữ liệu, cập nhật thường xuyên…
Có chuyên gia nêu ý kiến rằng cần có mã xác thực hay mã PIN trong mỗi lần giao dịch. Liên quan tới việc này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia tài chính nhìn nhận, nếu có cũng được, song không nhất thiết, điều quan trọng ở đây là trách nhiệm của các nhà mạng viễn thông và uy tín của họ với khách hàng đối với việc bảo mật, an toàn thông tin. “Ở đây, có thể coi các đơn vị viễn thông như một tổ chức tài chính bởi có hoạt động nhận tiền vào/rút ra, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này phải đảm bảo an ninh, bảo mật theo yêu cầu của phía cơ quan quản lý quy định cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tài chính”, chuyên gia này cho hay.
Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thời gian thí điểm 2 năm là tương đối hợp lý để cơ quan chức năng theo dõi, rút kinh nghiệm và kịp thời có những điều chỉnh trong quá trình hoạt động nếu cần thiết.
Được biết, hiện cả ba doanh nghiệp viễn thông lớn là VNPT, Viettel và MobiFone đều đã được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán – một trong những điều kiện để tham gia thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money. Cả ba nhà mạng này cho biết đều đã sẵn sàng về hạ tầng để thí điểm triển khai dịch vụ này và đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ gửi NHNN xin thử nghiệm dịch vụ, gồm các phương án kỹ thuật, quản lý, quy trình nghiệp vụ để đáp ứng các quy định tại Quyết định 316 của Thủ tướng, quy định trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh
Hiện nay ở Việt Nam, tổng số thuê bao điện thoại di động xấp xỉ là 125 triệu, điều này cho phép hy vọng khi triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ về thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục, dịch vụ công… qua đó thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện tại Việt Nam. Ngay sau khi các doanh nghiệp viễn thông được chấp thuận cung cấp dịch vụ Mobile Money, người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ Mobile Money sẽ đăng ký mở, nạp tiền và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Nếu hồ sơ xin cấp phép của các nhà mạng được chuẩn bị có chất lượng và các điều kiện đã được quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng được các nhà mạng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ thì dịch vụ Mobile Money cũng sẽ được sớm triển khai trong thực tiễn. |
Nguồn: Minh Khuê – Thời báo ngân hàng