Thị trường tài chính Việt Nam: Nhận diện những rủi ro
Thị trường tài chính Việt Nam: Nhận diện những rủi ro
Thị trường tài chính Việt Nam năm 2016 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi hội tụ được nhiều yếu tố thuận lợi cho sự tăng trưởng từ những thành tựu của năm 2015, đến các chỉ số kinh tế vĩ mô, các cam kết mở cửa hội nhập. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra cần phải vượt qua để tận dụng thời cơ…
Kinh tế Việt Nam năm 2015 đã đạt được những bước tiến quan trọng, GDP đạt 6,68% cao hơn mục tiêu đề ra là 6.2%, cùng với CPI cả năm chỉ tăng ở mức 0.63% thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là trong khoảng 5%.
Trong đó, một số thành tựu nổi bật là thị trường tài chính tiếp tục có những bước phát triển theo hướng bền vững, thị trường chứng khoán, trái phiếutiếp tục tăng trưởng, tái cơ cấu hệ thông ngân hàng được triển khai mạnh mẽ với tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 3%, tỷ giá, lãi suất được điều hàng một cách linh hoạt, mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp…
Tất cả các yếu tố trên đã cộng hưởng giúp cho thị trường tài chính Việt Nam đạt bước tăng trưởng ổn định và tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực trên, kinh tế Việt Nam cũng đứng trước một số thách thức như: Bội chi ngân sách tăng, nợ công sắp chạm trần cùng với nợ xấu chưa giải quyết được triệt để trong khi nền kinh tế phát triển thiếu tính bền vững do còn phụ thuộc quá nhiều vào FDI… Đây là những rủi ro có thể bùng phát, tác động trực tiếp và tạo ra hệ lụy lớn đối với nền kinh tế, thị trường tài chính trong năm 2016.
Những rủi ro này được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khẳng định tại “Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2015 và các chỉ số dẫn báo”, với nhiều dự báo đặt ra trong năm 2016. Trong đó, điểm nhấn lớn nhất là việc cân đối thu chi ngân sách đã trở nên căng thẳng và ngày càng khó khăn hơn trước.
Thực tế, cân đối thu chi ngân sách đã khó khăn từ nhiều năm nay, song những năm trước vẫn có không gian trong điều kiện trần nợ công còn rộng. Năm 2016, trần nợ công dự báo sẽ tiếp tục tăng, tiến sát đến mức trần, bội chi ngân sách cũng vẫn ở mức cao…
Đặc biệt, trong bối cảnh trần nợ công xấp xỉ ngưỡng cảnh báo, dư địa điều chỉnh chính sách hạn hẹp, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế thì đây sẽ là thách thức lớn mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm 2016, đồng thời là rủi ro tiềm ẩn đối với ổn định tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là những rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến thị trưởng tài chính.
Một thách thức lớn khác đang đặt ra nữa là nền kinh tế dù đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015 song thực chất vẫn tăng trưởng thiếu tính bền vững do phụ thuộc vào khu vực FDI, đặc biệt là xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào các DN FDI.
Mặc dù, đầu tư trong khu vực tư nhân, đầu tư tín dụng cho DN sản xuất và bất động sản năm 2015 tăng cao, song không bền vững. Tại khu vực tư nhân, con số DN phải giải thể, đóng cửa do khó khăn tăng cao so với năm trước cho thấy, thực chất khu vực này vẫn rất ốm yếu.
Trong khi đó, một nền kinh tế chủ yếu dựa vào DN FDI sẽ rất dễ gặp các rủi ro liên tiếp.Sự phụ thuộc nhiều vào các DN FDI tiếp tục tăng sẽ mang lại nguy cơ lớn bởi sức ép tăng trưởng mạnh kéo theo việc phải dựa nhiều hơn vào FDI, có thể dẫn tới thu hút FDI một cách thiếu chọn lọc, gây tác động ngược đối với nền kinh tế.
Bên cạnh đó, sự chậm trễ và chưa thực chất trong tiến trình tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng là một vấn đề lớn đang đặt ra, đây là một yếu tố khiến nền kinh tế khó có thể phát triển lành mạnh.
Mặc dù, tái cơ cấu DNNN tuy đã có chuyển biến song vẫn chậm do một số nguyên nhân, trong đó có sự suy giảm của thị trường chứng khoán và đặc biệt là những tồn tại trong thực tiễn triển khai cổ phần hóa DNNN.
Chừng nào những tồn tại về vấn đề tỷ lệ nắm giữ của tư nhân đối với DNNN trong cổ phần hóa, quan điểm liều lượng cổ phần hóa bao nhiêu để không bị tác động chi phối từ bên ngoài còn là câu chuyện lớn thì tiến trình này khó có thể đẩy nhanh một cách thực chất và hiệu quả như mong đợi.
Ngoài ra, vấn đề nợ xấu của các ngân hàng vẫn chưa được giải quyết triệt để cũng sẽ tác động đến thị trường tài chính nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung. Thời gian qua, chất lượng tín dụng đã được cải thiện đáng kể, nhưng kết quả vấn còn chưa được như kỳ vọng. Các ngân hàng vẫn đang phải “nuôi” nợ xấu.
Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, mặc dù ghi nhận khoản lãi trên số tiền cho vay nhưng thực tế chưa nhận được “tiền tươi thóc thật”. Các ngân hàng vẫn đang phải chịu áp lực trang trải lãi tiền gửi cho người dân.
Một vấn đề khác đáng lo ngại là mặt bằng lãi suất cho vay đang có xu hướng tăng trong năm 2016. Thực tế trong 2 tháng đầu năm 2016, mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng do các ngân hàng tăng cường huy động vốn để đón đầu việc sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, mà theo đó tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 40%.
Thực trạng này sẽ tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn. Bởi, với lạm phát được dự báo quanh mức 4%-5% so với mức 0,6% của năm 2015, gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động. Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm ngoái và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011-2015 (5,88%), phản ánh nhu cầu vốn tín dụng năm 2016 sẽ tiếp tục gia tăng.
Đó là chưa kể đến việc lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015, cùng với đó, dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn.
Việc thắt chặt tín dụng sẽ làm cho lãi suất tăng lên và chắc chắn sẽ tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp. Nếu để mặt bằng lãi suất tăng thêm 1%-2% nữa thì doanh nghiệp “bỏ chạy”.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất sẽ ổn định trong một khoảng thời gian tương đối dài nên đã vay ngân hàng để đầu tư. Nay nếu lãi suất tăng lên chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh những thách thức trên, trong thời gian tới mà trước mắt là năm 2016, cạnh tranh trên thị trường tài chính – ngân hàng sẽ khóc liệt hơn. Khi mục tiêu tự do luân chuyển dịch vụ trong AEC được thực hiện hóa, các quốc gia ASEAN 6 sẽ được hưởng lợi. Các ngân hàng Singapore và Malaysia rất tích cực mở rộng phạm vi. Thách thức về quản lý dòng vốn. Sự gia tăng dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam làm tăng mối lo về bong bóng giá tài sản và làm tăng mối lo nguy cơ rút vốn đột ngột… là những rủi ro tiềm ẩn không thể coi nhẹ trên thị trường tài chính Việt Nam.
(Theo tapchitaichinh)