Lợi nhuận ngân hàng không dễ khởi sắc

Lợi nhuận ngân hàng không dễ khởi sắc

Lợi nhuận ngân hàng không dễ khởi sắc

loi nhuan ngan hang khong de khoi sacMặc dù nhiều ngân hàng (NH) đã khoe lãi cao trong năm 2015, nhưng nếu nhìn vào báo cáo tài chính (BCTC), có thể thấy trích lập dự phòng rủi ro đã ăn mòn lợi nhuận nhiều NH. Bức tranh lợi nhuận của các NH vẫn chưa thể có những gam màu sáng, thậm chí còn được dự báo là sẽ khó khăn trong năm 2016.

Trích lập dự phòng – cơn đau đầu không hề nhẹ

Eximbank vừa công bố BCTC quý IV/2015 lỗ hợp nhất hơn 463 tỉ đồng. Thu nhập lãi thuần trong quý IV/2015 của Eximbank đạt hơn 952 tỉ đồng, cao gần gấp đôi quý IV/2014. Hoạt động khác cũng có lãi hơn 27 tỉ đồng, trong khi quý IV/2014 ngân hàng báo lỗ hơn 280 tỉ đồng. Chi phí hoạt động trong kỳ của Eximbank tăng 7%, ở mức 696 tỉ đồng. NH đạt lãi thuần 345 tỉ đồng trong khi quý IV/2014 lỗ gần 333 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank cao đột biến, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước với hơn 935 tỉ đồng khiến NH lỗ sau thuế hơn 463 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2015, Eximbank đạt lợi nhuận sau thuế (LNST) 62 tỉ đồng, tăng 11% so với năm trước.

Mặc dù có lãi nghìn tỉ đồng, với lũy kế cả năm 2015 đạt 1.314 tỉ đồng LNTT và 1.028 tỉ đồng LNTT, nhưng trong quý IV, NHTMCP Á Châu lại lỗ thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư hơn 993 tỉ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 65 tỉ đồng), tính chung cả năm hoạt động này đã khiến ACB thua lỗ 762 tỉ đồng. Theo thuyết minh báo cáo, ACB thua lỗ nặng trong mua bán chứng khoán đầu tư là do phải trích lập dự phòng rủi ro lên đến 1.363 tỉ đồng trong năm 2015 (rơi chủ yếu vào quý IV), trong khi cùng kỳ phần dự phòng chỉ là 40 tỉ. Hay như Sacombank bất ngờ thông báo lỗ 583 tỉ đồng trong quý IV/2015 do chi phí trích lập dự phòng rủi ro bất ngờ tăng vọt lên 1.125 tỉ đồng.

Không chỉ có những NHTMCP đang phải lo lắng với các khoản trích lập dự phòng, mà ngay cả các ông lớn cũng vậy. Đơn cử như Vietcombank cũng là một NH bị ăn mòn lợi nhuận vì trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2015, Vietcombank đã phải trích lập dự phòng rủi ro cho vay lên 8.609 tỉ đồng, tăng 21,5% so với năm 2014.

CTCK Bảo Việt (BVSC) dự báo: Chi phí trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và trái phiếu VAMC sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận chung toàn ngành năm 2016. “Do nắm giữ lượng trái phiếu VAMC lớn, nhóm các NH chưa niêm yết sẽ còn chịu nhiều áp lực đối với lợi nhuận trong những năm tới. Áp lực này thấp hơn ở nhóm các NH niêm yết” – BVSC nhận định.

BVSC tính toán trích lập dự phòng năm 2016 được dự báo tăng mạnh lên khoảng 91.374 tỉ đồng, cao hơn hẳn mức 74.828 tỉ đồng năm 2015 và 59.287 tỉ đồng năm 2014. Trong đó, dự phòng nợ xấu trong năm 2016 là 53.098 tỉ đồng, trái phiếu VAMC khoảng 38.276 tỉ đồng. Nguyên nhân việc trích lập dự phòng rủi ro của các NH tăng lên là do từ khi tiến hành đề án tái cấu trúc hệ thống TCTD, tỉ lệ nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu, theo báo cáo, không thay đổi nhiều.

Ngoài ra, việc chính thức áp dụng Basel II từ tháng 2.2016 sẽ khiến 10 NH gặp khó trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, điều này sẽ tác động tới lợi nhuận NH. Ngoài ra, những tiêu chuẩn khắt khe hơn sẽ khiến các NH cẩn trọng hơn trong việc cho vay. Basel II cũng khiến nhiều NH buộc phải đẩy mạnh tăng vốn cấp 1 và cấp 2, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của NH trong hoạt động kinh doanh.

Nợ xấu vẫn cao – tốc độ xử lý nợ xấu vẫn thấp

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng, huy động và các dịch vụ NH tương đối tốt trong thời gian qua, thì có thể nói, ngành NH có lý do để lạc quan. Tuy nhiên, dù nhận lạc quan như vậy thì thách thức vẫn hiện diện. Theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính thì tổng quan nợ xấu các NH phải gánh để xử lý và trích lập dự phòng vẫn ở mức cao. Trong khi đó, tốc độ xử lý nợ xấu thực tế lại thấp. Mặc dù báo cáo của các NH cho thấy trong giai đoạn 2012-2015 đã xử lý 424.000 tỉ đồng nợ xấu, tương đương hơn 90% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9.2012 nhưng có đến 45% nợ xấu được xử lý thông qua VAMC, 28% xử lý bằng nguồn khoản dự phòng rủi ro. Tức có đến 73% nợ xấu được xử lý bằng nguồn lực của chính các NH hoặc bằng biện pháp kỹ thuật (qua VAMC). Điều này cho thấy chỉ có 27% nợ xấu thực tế được xử lý bằng nguồn lực của khách hàng hoặc thị trường như khách tự trả, bán tài sản thế chấp… Như vậy, trung bình mỗi năm các NH thực tế chỉ xử lý được chưa đến 7% còn lại các NH phải dùng dự phòng của mình để xử lý. Tỉ lệ nợ xấu cao, tốc độ xử lý nợ xấu thấp vẫn tiếp tục thách thức hoạt động kinh doanh của các NH trong thời gian đến.

Bên cạnh đó, một rủi ro khác theo đánh giá của các chuyên gia đó là là tình trạng các NH phụ thuộc quá nhiều vào lợi nhuận từ hoạt động tín dụng, tỉ lệ lợi nhuận phi tín dụng rất thấp. Thực tế này làm cho hệ thống NH trở nên rủi ro hơn. Bởi lẽ, lợi nhuận hoạt động tín dụng cao thường đi kèm với rủi ro lớn, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế bước vào chu kỳ suy giảm.

Share this post