Tiền gửi tiết kiệm dân cư vẫn tăng
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, tiền gửi tiết kiệm dân cư của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng 1,91% so với cuối năm 2020.
Thời điểm giữa tháng 3, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở một số ngân hàng nhỏ vẫn khá hấp dẫn, đáng kể nhất là Kienlongbank gửi tiết kiệm kỳ hạn 18 – 36 tháng lãi suất 7,1%/năm. Một số ngân hàng khác cũng có lãi suất trên 7%/năm đối với các kỳ hạn dài trên 12 tháng. Đối với kỳ hạn 6 tháng, các ngân hàng NCB, CBBank, NamABank, VietABank… đều áp dụng mức lãi suất trên 6%/năm. Nhóm ngân hàng Techcombank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đều trả lãi thấp hơn, xoay quanh mức từ 2,8-4%/năm cho các kỳ hạn dưới 6 tháng. Trong khi đó MSB có mức lãi suất thấp nhất hiện nay, với kỳ hạn tiết kiệm 1 tháng chỉ ở mức 2,5%/năm (đối với gửi tại quầy).
Tính trung bình mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng của 35 NHTM thời điểm giữa tháng 3/2021 chỉ còn dao động từ 2,5 – 3,95%/năm. Ở kỳ hạn 3 tháng, ngoài Techcombank và MSB, hiện hầu hết các nhà băng niêm yết huy động ở mức trên 3%/năm. Riêng VietBank áp dụng mức lãi suất cao nhất là 4,0%/năm.
Điểm đáng chú ý lãi suất huy động của các NHTM là hiện nay cách thức gửi tiền online và gửi tại quầy có sự chênh lệch khá rộng. Các ngân hàng nhỏ như NamABank, Kienlongbank, SCB, VietCapitalBank áp dụng lãi suất từ 6,8-6,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, từ 6,4-6,7%/năm cho kỳ hạn 9 tháng và từ 6,2-6,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Mức lãi suất này lần lượt cao hơn từ 0,1 – 0,8%/năm so với huy động tại quầy các kỳ hạn tương ứng.
Các kỳ hạn dài, các nhà băng quy mô vừa như Sacombank, SCB, ACB và VPBank, TPBank cũng khá cạnh tranh trong việc huy động tiền gửi online. Theo đó, mức huy động kỳ online hạn 12 tháng và 24 tháng tại Sacombank và SCB lần lượt là 5,9% và 6,5%. Các ngân hàng như ACB, VPBank, TPBank, HDBank cũng có mức gửi online kỳ hạn 12 tháng là trên 6%/năm.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, so với thời điểm cuối năm 2020 thì đến đầu tháng 3 vừa qua, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng – 12 tháng ở một số ngân hàng TMCP quy mô nhỏ có sự nhích lên nhẹ, khoảng trung tuần tháng 3 một số NHTM quy mô vừa như SCB, VPBank, ACB cũng có sự điều chỉnh tăng thêm lãi suất cho một số kỳ hạn tiền gửi online kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên nhóm 10 NHTM có quy mô tiền gửi tiết kiệm cao nhất hệ thống ít có sự thay đổi biểu lãi suất huy động.
Theo dự báo của HSBC, lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm 2021 dự kiến khoảng 3%. Việc duy trì tỷ lệ lạm phát dưới mức 4% sẽ tạo điều kiện để NHNN giữ vững quan điểm điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp trong suốt năm 2021 và mặt bằng lãi suất đầu vào và đầu ra sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vẫn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhiều ngành hàng sẽ phải mất 1-2 năm để phục hồi nên các kênh đầu tư khác (như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu…) cũng sẽ gặp rủi ro hơn. Trong bối cảnh đó, kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là kênh an toàn đối với người dân.
Để tối ưu hóa quyền lợi, một số chuyên gia đầu tư tài chính cho rằng người gửi tiền thời điểm này nên chia nhỏ các khoản tiền gửi. Một phần nên chọn các gói tiết kiệm trên 12 tháng của các NHTM quy mô vừa và lớn để đầu tư, nhằm hưởng trọn mức lãi suất huy động 6-7%/năm và đảm bảo an toàn vốn. Phần còn lại có thể chọn gửi online các kỳ ngắn hạn tại các NHTM quy mô nhỏ để có thể tận dụng các chương trình ưu đãi, khuyến mại, quà tặng và có thể linh hoạt rút ra theo nhu cầu chi dùng mà không bị rơi vào trường hợp rút gốc trước hạn.
Ngoài ra, hiện nay nhiều NHTM đã hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho ra mắt những sản phẩm tài chính vừa có tính chất bảo hiểm vừa là một dạng tiết kiệm tích lũy, một số NHTM cũng đã hợp tác toàn diện với các tập đoàn doanh nghiệp lớn, có tài chính lành mạnh để bảo lãnh phát hành và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn. Vì vậy, tùy vào khẩu vị rủi ro và nguồn tiền nhàn rỗi người dân có thể chia nhỏ và chọn thêm các sản phẩm tài chính này để tối đa hóa lợi nhuận thay vì dồn tất cả vào một kỳ hạn tiền gửi hoặc rút vốn đầu tư vào các lĩnh vực có rủi ro cao hơn như bất động sản, chứng khoán và các hình thức tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối không được pháp luật thừa nhận.
Nguồn: Thạch Bình – Thời báo ngân hàng