Tiết kiệm điện tử: Lợi cả đôi đường
Tiết kiệm điện tử: Lợi cả đôi đường
Nhanh chóng, an toàn và thuận lợi trong gửi – rút trong khi lãi suất cao hơn là những ưu điểm của hình thức gửi tiết kiệm điện tử
Thời của công nghệ số
Tình cờ ngồi nói chuyện với một người bạn làm ở Navigos Search – một công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao hàng đầu ở Việt Nam chúng tôi được biết, khoảng hơn một năm nay, chị rất thích thú với hình thức gửi tiết kiệm điện tử (TKĐT) của một NH nơi chị đã từng công tác trước đây. Cụ thể với khoản lương hàng tháng của mình, sau khi để ra các khoản dự tính phải chi tiêu trong tháng, phần còn lại chị chuyển vào tiết kiệm điện tử.
“Nhanh chóng, an toàn và thuận lợi trong gửi – rút trong khi lãi suất cao hơn là điều mà mình thấy rất có ích khi sử dụng dịch vụ này” – chị này cho biết.
Thực tế, dịch vụ tiết kiệm điện tử đã và đang được nhiều NHTM thúc đẩy trong thời gian qua trong bối cảnh số hóa trong hoạt động NH ngày càng được triển khai mạnh. NH có thể tiết kiệm một phần chi phí nhân công, giấy tờ thủ tục, thời gian vận hành tại quầy và khách hàng gửi tiền cũng tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại, rủi ro mang cầm tiền mặt so với gửi tiết kiệm tại quầy truyền thống.
Hơn nữa, chính phần chi phí mà NH tiết kiệm được nhờ công nghệ cũng có thể được chuyển qua cho khách hàng. Đại diện Khối NH Cá nhân – NHTMCP Quốc Dân (NCB) cho biết, ngoài các lợi ích kể trên, khách hàng còn có thể tất toán sổ tiết kiệm bất cứ thời gian nào khi cần tiền mặt, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Trong khi đó, dịch vụ này giúp NH có thể tiếp cận và phục vụ khách hàng 24/7 và tối đa hóa được hiệu quả hạ tầng công nghệ hiện đại mà NH đã đầu tư.
Hiện NCB đang cung cấp sản phẩm tiết kiệm điện tử có kỳ hạn trên Internet Banking, Mobile Banking (I-Savings). Khách hàng có thể gửi tiết kiệm trực tuyến với các kỳ hạn đa dạng, từ 7 ngày tới 60 tháng, lãi suất ưu đãi hơn gửi tiết kiệm tương đương tại quầy trung bình khoảng 0,2%.
TPBank cũng đang có hai sản phẩm tiết kiệm trực tuyến: “tiết kiệm điện tử lĩnh lãi cuối kỳ” và “Tiết kiệm gửi góp online”. Với tiết kiệm điện tử lĩnh lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất cao hơn khoảng 0,15 – 0,2% so với kỳ hạn tương ứng khi gửi tiết kiệm thông thường tại quầy. Khách hàng có thể chủ động gửi hoặc rút một phần gốc hoặc tất toán sổ tiết kiệm ngay trên Internet Banking, Mobile Banking bất cứ lúc nào có nhu cầu. Như vậy, thay vì phải cất giữ những cuốn sổ tiết kiệm với nguy cơ có thể mất, thất lạc thì nay khách hàng sẽ dễ dàng quản lý, theo dõi khi sử dụng tiết kiệm điện tử.
Qua tìm hiểu được biết, khá nhiều người trẻ tuổi – đối tượng dễ tiếp cận và thành thạo với công nghệ thông tin – đang làm quen rất nhanh với dịch vụ tiết kiệm điện tử ở các NH dù hình thức này còn khá mới mẻ. Nhưng cũng có nhiều người cho biết, họ thường làm như vậy với các khoản tiền vừa phải, còn các khoản tiết kiệm lớn thì họ vẫn ra quầy, gửi tiền trực tiếp rồi ký nhận sổ vì cảm thấy như thế sẽ yên tâm hơn.
Đặc biệt với các khách hàng cao tuổi, nhiều người được hỏi cho biết trong khi công nghệ không rành, lại thỉnh thoảng nghe đến có vụ bị mất tiền qua thẻ hoặc trên mạng vì lý do nào đó nên họ vẫn chọn cách truyền thống khi gửi tiết kiệm.
Ông Đinh Văn Chiến, Giám đốc Khối NH cá nhân, TPBank cho rằng, tâm lý này là phù hợp với những khách hàng thích nắm giữ sổ theo cách truyền thống và không dễ thay đổi thói quen này trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên với những khách hàng trẻ làm ở các DN hoặc đã từng làm ở các NH thì họ thích ứng nhanh hơn.
Khi những nghi ngại được loại bỏ
Đại diện Khối NH Cá nhân NCB cho biết, một trong những điểm e ngại của khách hàng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến là tính bảo mật tài khoản. Vì thế nên với một số khách hàng, dù đã biết đến các dịch vụ như tiết kiệm điện tử nhưng vẫn e dè khi sử dụng. Tuy nhiên, các NH cho biết, sản phẩm NH điện tử cung cấp đến khách hàng luôn đảm bảo tính bảo mật cao nhất.
“Mọi khoản tiền gửi trực tuyến được chứng thực bằng các mã số sổ điện tử, quản lý ngay trên Internet Banking, Mobile Banking, giúp khách hàng dễ dàng kiểm soát tài chính cá nhân cũng như thực hiện các thao tác tất toán tự động khi đáo hạn. Tất cả bản sao kê chứng thực của NCB trên dịch vụ NH điện tử cũng có giá trị tương tự như các loại hình tiết kiệm thông thường trực tiếp tại quầy” – đại diện NCB khẳng định.
Cùng quan điểm trên, ông Đinh Văn Chiến cho biết: “Tại TPBank, khi gửi tiền tiết kiệm trực tuyến thành công, khách hàng đều nhận được email xác nhận tự động từ hệ thống của TPBank thông báo đầy đủ các thông tin. Hơn nữa, TPBank là NH đầu tiên in mã ma trận (QR code) lên Sổ tiết kiệm (nếu là gửi tại quầy) và trên Xác nhận tiền gửi trực tuyến (nếu là tiết kiệm điện tử) nhằm công khai và minh bạch các thông tin về sổ tiết kiệm cho khách hàng. Nhờ đó, khách hàng có thể kiểm tra trực tiếp trạng thái sổ tiết kiệm đang có hiệu lực hay đã bị đóng, có bị phong tỏa hay không…”.
Do đó, tâm lý lo ngại hình thức này không an toàn bằng gửi tiết kiệm thông thường không có cơ sở. Ông Chiến khẳng định: “Gửi tiết kiệm điện tử hay gửi tại quầy thì số tiền gửi đều được hệ thống kiểm soát và quản lý với một cơ chế bảo mật như nhau. Không có lý do gì mà khách hàng yên tâm giao dịch với NH thông qua tài khoản thanh toán lại lo ngại tiết kiệm điện tử không an toàn”.
Hơn nữa với xu thế công nghệ hiện nay khi rất nhiều các chứng từ đã được số hóa thì việc giữ một sổ tiết kiệm bằng giấy không có nhiều ý nghĩa so với tiết kiệm điện tử. “Có thể so sánh như chúng ta sử dụng vé máy bay hiện nay, rất nhiều khách hàng đến Check in chỉ cần đưa màn hình điện thoại cho nhân viên quầy mà không cần phải mang tấm vé như trước kia. Điều quan trọng là thông tin khách hàng mua vé đã có sẵn trên hệ thống chứ không phải là thông tin in trên giấy hay trên điện thoại” – đại diện TPBank dẫn chứng.
Đại diện các NH cũng thông tin thêm, với chiến lược đầu tư dài hạn nên các hệ thống công nghệ của họ đã được đầu tư triển khai đồng bộ, với khả năng xử lý an toàn, hiệu quả hàng nghìn giao dịch cùng lúc, từ các kênh giao dịch khác nhau. Do đó sẽ luôn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của khách hàng, trong đó có nhu cầu đối với gửi tiết kiệm điện tử.
Trong khi đó, một lợi ích rất lớn đối với nền tài chính – NH nói chung là khi ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng hình thức tiết kiệm điện tử thì thói quen sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử khác cũng sẽ tăng lên, qua đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế, tài chính theo hướng hiện đại, hội nhập cũng như phù hợp với chủ trương giảm dần dùng tiền mặt trong các giao dịch tài chính.
(theo thoibaonganhang)