Lãi suất tiền gửi ít chịu áp lực tăng trong 2 tháng tới

Lãi suất tiền gửi ít chịu áp lực tăng trong 2 tháng tới

Mặc dù dư địa tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành là hạn chế nhưng VNDirect cho rằng lãi suất tiền gửi sẽ ít chịu áp lực tăng lên trong 2 tháng tới.

Nhận định trong báo cáo cập nhật vĩ mô công bố mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng dư địa tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành là hạn chế do áp lực lạm phát dự báo tăng cao trong quý II/2021 do giá dầu thô thế giới tăng, cùng với đó, giá bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh trong những tháng gần đây do sốt đất cục bộ tại một số địa phương buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thận trọng hơn trong việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất huy động khó có thể giảm thêm do nền kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu tín dụng tăng cao, nên các ngân hàng thương mại phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh dòng vốn trong dân cư đang bị hút sang các kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán.

Nhìn lại, lạm phát tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4/2021 (so với mức 1,2% vào tháng 3/2021). Lạm phát tăng chủ yếu là do chỉ số giao thông tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái với giá xăng RON95 trong nước bình quân tháng 4/2021 ở mức 19.001 đồng/lít, cao hơn 43,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, CPI nhóm nhà ở & vật liệu xây dựng tăng 2,8% so với cùng kỳ trong tháng 4/2021 (so với mức 0,8% so với cùng kỳ vào tháng 3/2021), chủ yếu là do giá gas và giá sắt thép tăng.

Ở chiều ngược lại, giá thịt lợn hơi bình quân tháng 4/2021 giảm 9,7% so với cùng kỳ xuống 73.720 đồng/kg (giảm 2,2% so với tháng trước), khiến chỉ số giá lương thực giảm 0,7% so với cùng kỳ.

VNDirect kỳ vọng chỉ số CPI nhóm giao thông vận tải sẽ duy trì đà tăng trong hai tháng tới. Cụ thể, giá xăng RON95 bình quân ở mức 19.636 đồng/lít trong giai đoạn tháng 5 – tháng 6/2021, cao hơn 46,8% so với mức giá của giai đoạn tháng 5 – tháng 6/2020. Ngoài ra, giá thép xây dựng sẽ duy trì xu thế tăng giá trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phôi thép, phế liệu và chi phí vận chuyển tiếp tục tăng. Ngoài ra, EVN đã giảm giá điện bán lẻ trong giai đoạn tháng 5 – tháng 7/2020 nhằm hỗ trợ người dân trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần đầu và hiện tại EVN đã ngưng hình thức hỗ trợ này.

Do đó, VNDirect dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng lên, đạt trung bình 4-5% so với cùng kỳ trong quý II/2021 (so với mức 0,3% trong quý I/2021). Dù vậy, công ty chứng khoán này cho rằng áp lực lạm phát sẽ hạ nhiệt trong giai đoạn tháng 8-tháng 12 năm 2021 nhờ CPI nhóm lương thực thực phẩm giảm, bình quân cả năm 2021 tăng 2,9% so với năm 2020.

Mặc dù dư địa tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành là hạn chế nhưng VNDirect cho rằng lãi suất tiền gửi sẽ ít chịu áp lực tăng lên trong 2 tháng tới.

Trong khi đó, nhóm chuyên gia này cho rằng lãi suất tín dụng sẽ duy trì ổn định từ nay đến hết năm 2021 nhằm hỗ trợ tăng trưởng. “Với tỷ suất lợi nhuận tương đối tốt của các ngân hàng thương mại, chúng tôi cho rằng các ngân hàng thương mại sẽ cần ổn định lại lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch”, báo cáo của VNDirect viết.

Trong một diễn biến khác, NHNN gần đây đã gửi văn bản đến các tổ chức tín dụng nhằm cảnh báo về 10 dấu hiệu để nhận biết rủi ro tiềm ẩn đã xuất hiện trong năm 2020 và yêu cầu các tổ chức này thực hiện theo nội dung của Công văn 01/CT-NHNN trong những hoạt động chủ chốt ở năm 2021.

Đây được xem là thông điệp chính thức dành cho các hoạt động ngân hàng trong năm 2021 nhằm duy trì tính ổn định của hệ thống trước những tình huống bất ngờ của dịch Covid-19.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cả hệ thống ngân hàng sẽ cần phải tiến hành điều chỉnh chính sách tín dụng, quản trị rủi ro và dự phòng nhằm phù hợp với chỉ thị của NHNN cũng như duy trì chất lượng tài sản ổn định. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này không kỳ vọng các ngân hàng sẽ giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng trong các quý tiếp theo nhờ môi trường lãi suất thuận lợi và nền kinh tế nội địa khởi sắc.

Share this post