Tín dụng 2015: Năm của chất và lượng
Tín dụng 2015: Năm của chất và lượng
Các TCTD không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát rủi ro.
Tín dụng tăng đều
Theo thông tin mới nhất từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) trong năm 2015, hệ thống ngân hàng đã tích cực triển khai các chương trình cho vay và đến ngày 21/12/2015 tín dụng đã tăng 17,17% so với cuối năm 2014. Như vậy, có thể thấy tín dụng đã tăng vượt so với định hướng của NHNN đưa ra từ đầu năm ở mức ở khoảng 17%. So với những năm trước, mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) của 2015 khá cao, điều đó cũng chứng tỏ sự hấp thụ vốn của nền kinh tế khá tốt.
Đặc biệt, điểm đáng chú ý trong hoạt động tín dụng của năm 2015 là tín dụng tăng đều qua các quý nên giảm được áp lực về căng thẳng thanh khoản cho các TCTD. Tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ những tháng đầu năm và tăng dần trong các quý, cụ thể: quý I: tín dụng tăng 0,65%; quý II: 5,22%; quý III: 10,21%, dự kiến năm 2015 đạt 18%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011- 2014.
Ông Cát Quang Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, năm 2015 cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển đổi theo hướng tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên như: cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông, thôn tăng 11%; lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 45,13%; cho vay lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 9,72%, DNNVV tăng 6,13%. Các TCTD cũng tăng cường việc kiểm soát rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, vì vậy tỷ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm 2014.
Kết quả tín dụng tích cực trong năm 2015 cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế (tăng GDP có thể trên 6,5% – PV) thể hiện những nỗ lực của ngành Ngân hàng và cho thấy sự đúng đắn, kịp thời trong ban hành, triển khai chính sách của NHNN.
Điều đó cũng khẳng định, NHNN đã bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và tình hình kinh tế vĩ mô để có những chính sách, bước đi hợp lý phù hợp với yêu cầu thực tế như: Thực hiện kiểm soát quy mô TTTD hàng năm của hệ thống ngân hàng, phân bổ chỉ tiêu, TTTD theo nhóm các ngân hàng và kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các TCTD.
Từng bước đưa lĩnh vực bất động sản, cho vay tiêu dùng ra khỏi nhóm lĩnh vực không khuyến khích cần kiểm soát. Đồng thời NHNN xác định và công bố 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đầu tư tín dụng, quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng đã điều hành chính sách tín dụng hướng tới doanh nghiệp, nhất là các DNNVV, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc chỉ đạo các TCTD thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, tiếp tục cho vay mới… đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu. Năm 2015, NHNN tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh, thành phố thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Chính từ những cuộc tiếp xúc trực tiếp này những khó khăn, vướng mắc trong mối quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp đã được tháo gỡ, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng tốt hơn.
Một điểm khác, với sự chỉ đạo, hỗ trợ của NHNN, các TCTD tiếp tục triển khai nhiều chương trình tín dụng tập trung cho các vùng, miền trọng điểm. Chủ trương này của ngành Ngân hàng đã giúp nhiều địa phương tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững, tái cơ cấu kinh tế và phát triển được tiềm năng, lợi thế địa phương.
Điểm nhấn tín dụng tam nông
Năm 2015, thật thiếu sót nếu không đề cập tới tín dụng lĩnh vực khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân cả về con số tăng trưởng cũng như sự điều chỉnh chính sách. Trong đó, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP.
Một số điểm mới của Nghị định 55 có thể kể đến như: bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách bao gồm các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng nằm ngoài khu vực nông thôn; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp từ 1,5 – 2 lần đối với từng đối tượng so với quy định tại Nghị định 41, để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất nông nghiệp…
Từ thực tế triển khai Nghị định 55, ông Phạm Huy Cận – Giám đốc Agribank Nam Định cho rằng, trong năm 2015 khi Nghị định 55 được ban hành đã giải quyết được hầu hết các vướng mắc mà trước đây chúng ta thường gặp trong quá trình triển khai cho vay. “Nghị định 55 được xem là cơ sở pháp lý tạo đột phá về đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn” – ông Phạm Huy Cận nhấn mạnh.
Để chính sách tín dụng góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2015 NHNN đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ, tập trung vào 31 dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả đến nay đã giải ngân 6.125,4 tỷ đồng, vượt mức cam kết ban đầu là 5.627 tỷ đồng do một số mô hình mở rộng quy mô sản xuất.
Ngoài ra, các Tổ chức tín dụng rất tích cực triển khai chương trình cho vay tái canh cây cà phê. Đặc biệt, để phát triển bền vững cây cà phê khu vực Tây Nguyên, NHNN đã có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo Agribank triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020.
Dự kiến nguồn vốn thực hiện cho vay cả chương trình khoảng 12.000 tỷ đồng để tái canh diện tích 120.000 ha cà phê theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT. Đến nay, dư nợ cho vay tái canh cà phê của Agribank đạt 733,36 tỷ đồng cho 6.206 khách hàng, diện tích tái canh là 8.299 ha.
( trích thoibaonganhang)