Mobile Money hướng tới đối tượng chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính

Mobile Money hướng tới đối tượng chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến cấp phép thí điểm tiền di động (Mobile Money) cho một số nhà mạng ngay trong tháng 10 để trở thành kênh thanh toán hiện đại đồng hành cùng người dân cùng ngân hàng số. Chính sách mới đang trong những bước cuối cùng để đi vào cuộc sống và người dân đã sẵn sàng đón nhận.

Giờ “G” sắp điểm

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 diễn ra vừa qua, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an sẽ thống nhất hồ sơ liên quan Mobile Money trong tháng 10/2021 và sớm ra quyết định cấp phép để Viettel, VNPT, MobiFone triển khai thí điểm dịch vụ này trên cả nước với thời gian thí điểm khoảng 2 năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, theo quy chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan, NHNN đã gửi hồ sơ và nhận được đầy đủ ý kiến phản hồi từ các bên, các ý kiến đã được NHNN gửi đến doanh nghiệp viễn thông để hoàn thiện. Theo đánh giá của chúng tôi, đến thời điểm hiện nay không có vướng mắc gì lớn trong quá trình triển khai Mobile Money. Khi nhận được sự đồng thuận từ các Bộ, NHNN sẽ cấp phép triển khai Mobile Money cho các doanh nghiệp viễn thông.

Để đi đến quyết định này, các Bộ, ngành liên quan đã cùng phối hợp chuẩn bị kế hoạch và lên phương án từ rất lâu. Từ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất cho phép các nhà mạng thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money là dùng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ có giá trị nhỏ. Ngay trong tháng 4/2019, NHNN Việt Nam đã trình Chính phủ về đề án thí điểm Mobile Money. Do chưa có quy định pháp lý về Mobile Money nên đây vẫn là quá trình NHNN và Bộ Thông tin và Truyền thông cùng phối hợp để xây dựng các quy định cụ thể.

Đến năm 2020, khi dịch COVID-19 có những dấu hiệu lan rộng, việc triển khai Mobile Money đã được xem là một nhu cầu cấp thiết cả trong ngắn hạn và dài hạn. Ngày 4/3/2020 Chính phủ ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 đã đưa ra nhiều chỉ đạo cụ thể, trong đó việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm Mobile Money là một trong các nhiệm vụ trọng tâm.

Kết quả này chính là “trái ngọt” được các doanh nghiệp viễn thông mong chờ trong suốt hành trình nỗ lực chuẩn bị. Đơn cử, từ năm 2017 hoạt động chuẩn bị cho Mobile Money đã được Viettel triển khai từ khi thí điểm thu phí đỗ xe ô tô qua hình thức thanh toán điện tử tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hoàn thành việc test thử nghiệm nội bộ dịch vụ này với 40.000 nhân viên của tập đoàn. Kết quả cho thấy, tỷ lệ người dùng tài khoản viễn thông là 94% so với 6% sử dụng tài khoản ngân hàng.

Khi thí điểm Mobile Money, đại diện một số doanh nghiệp viễn thông đều cho biết, sẽ áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất bằng sự phối hợp với các đơn vị an ninh mạng, không gian mạng đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ. Các phương pháp kỹ thuật hiện đại như công nghệ tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng.

Hướng đến lợi ích của người dân

Theo các chuyên gia, Mobile Money khi được triển khai thí điểm chính thức sẽ hiện thực hóa tương lai tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính hiện đại được “bình dân hóa” và trở nên dễ dàng hơn. Đó là viễn cảnh gần mà tất cả Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đang cùng kỳ vọng và đón chờ.

Ngay trong quá trình triển khai, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng khẳng định, NHNN xác định đầu tiên phải theo hướng bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng trên 3 khía cạnh. Đó là, tiền của tất cả khách hàng sử dụng Mobile Money, các nhà mạng phải gửi ở ngân hàng, không được sử dụng với mục đích khác. Hệ thống Mobile Money được xây dựng dựa trên yêu cầu thông tin cấp độ của quốc gia để bảo vệ thông tin cho khách hàng tuyệt đối. Khi có tiền trong Mobile Money, khách hàng được sử dụng tất cả các dịch vụ một cách hợp pháp. Một trong những mục tiêu quan trọng của Mobile Money là cung ứng dịch vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo… chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Vì những lý do đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng vui mừng trước việc Mobile Money đang trong những bước đi cuối cùng để được cấp phép sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong thanh toán.

“Dù ví điện tử đã phổ biến và dịch vụ ngân hàng cũng phát triển nhanh chóng nhưng Mobile Money sẽ thuận lợi hơn vì chỉ cần dùng điện thoại để thanh toán mà không cần liên kết với tài khoản ngân hàng. Khi được triển khai rộng rãi, người dân ở vùng sâu, vùng xa không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể sử dụng điện thoại để thanh toán các giao dịch một cách dễ dàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Là một người dân ở 1 xã xa xôi của tỉnh Ninh Bình, chị Thu Huyền cho biết, một số cửa hàng tiện lợi ở trung tâm huyện đã ứng dụng các hình thức thanh toán trực tuyến nhưng vì xa nhà lại không có nhiều thời gian nên chị thường mua đồ với số lượng lớn để tích trữ tại nhà. Tuy nhiên, có những lần nhỡ bữa, muốn mua thêm ít đồ ở chợ cũng gặp khó khăn vì không đủ tiền lẻ. Hơn thế nữa, tình hình dịch bệnh phức tạp, chợ truyền thống gần như đều thanh toán bằng tiền mặt và chuyển qua tay rất nhiều khiến chị không khỏi lo lắng. Nếu như được sử dụng Mobile Money, chị sẽ yên tâm hơn rất nhiều mỗi đi chợ.

Tương tự, anh Tạ Xuân Trường (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ, cũng với tinh thần phòng chống dịch cao nhất, có lần anh ra cửa hàng tạp hóa mua đồ với giá 35.000 đồng và muốn trả tiền bằng chuyển khoản cho an toàn, đảm bảo không tiếp xúc. Dù chủ tiệm đồng ý nhưng tài khoản ngân hàng thông báo chưa đạt số tiền tối thiểu được chuyển khoản nên anh không thể thanh toán được. So với chính sách của Mobile Money thì rõ ràng anh sẽ sớm thực hiện được nhu cầu thanh toán với hóa đơn nhỏ.

Đánh giá cao Mobile Money nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ và NHNN phải kiểm soát để không cho các nhà mạng chức năng tạo tiền. Chỉ cho phép người dân bỏ tiền vào tài khoản điện thoại di động, số tiền đó được lưu giữ tại các nhà mạng, và người dân chỉ được dùng số tiền đó để thanh toán. Không cho phép các nhà mạng tự ý tạo tiền.

Nguồn: Hương Giang – Thời báo ngân hàng

Share this post