Tọa đàm ” Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam”

Tọa đàm ” Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam”

Tọa đàm “Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam”

Tài chính vi môNgày 04/12/2015, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Trung tâm tư vấn nguồn lực tài chính vi mô doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức Tọa đàm “Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam”.

Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN; NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam và các tổ chức tài chính vi mô chính thức, bán chính thức tại Việt Nam.

 

 Ông Phạm Huyền Anh phát biểu khai mạc Tọa đàm


               Ông Phạm Huyền Anh phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng khẳng định: Hoạt động tài chính vi mô (TCVM) đã và đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng của mình trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và được đánh giá là công cụ giảm nghèo hữu hiệu tại Việt Nam. Phát triển Tài chính vi mô là mục tiêu lâu dài nhằm hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Tọa đàm “Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam” là cơ hội tốt để NHNN và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, thảo luận, góp phần từng bước thiết lập một hành lang pháp lý vững chắc, tạo điều kiện cho các tổ chức Tài chính vi mô phát triển hiệu quả, bền vững và chuyên nghiệp.

Tại buổi Tọa đàm, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã trình bày dự thảo Thông tư về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của tổ chức Tài chính vi mô (thay thế Thông tư số 07/2009/TT-NHNN ngày 17/4/2009 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ). Mục tiêu xây dựng dự thảo Thông tư này nhằm hướng dẫn các quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, phù hợp với bản chất và thực tế hoạt động của các tổ chức Tài chính vi mô; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, giám sát; tạo điều kiện phát triển hoạt động TCVM tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các tổ chức Tài chính vi mô đã được cấp phép, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và tăng cường tính liên kết cộng đồng xã hội trong dân cư.

Dự thảo Thông tư được xây dựng gồm 5 Chương và 16 Điều, cụ thể: Chương I – Quy định chung, gồm 02 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Chương II – Quy định cụ thể, gồm 05 Điều, quy định về cách xác định và cách tính tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ về khả năng chi trả, các quy định nội bộ có liên quan; Chương III – Quy định chuyển tiếp, gồm 04 Điều quy định về chuyển tiếp, trách nhiệm của tổ chức Tài chính vi mô, quy định chuyển tiếp đối với tỷ lệ an toàn vốn tối thiều, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn và quy định xử lý sau chuyển tiếp; Chương IV – Báo cáo và xử lý vi phạm, gồm 03 Điều quy định về báo cáo, xử lý vi phạm và trách nhiệm của các đơn vị liên quan; Chương V – Điều khoản thi hành, gồm 02 Điều quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành Thông tư.

Cũng tại Tọa đàm, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng đã thuyết trình về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức phi chính phủ. Dự thảo Quyết định gồm 6 Chương, 23 Điều, với các nội dung chính: Thành lập, đăng ký hoạt động chương trình, dự án Tài chính vi mô và việc chuyển đổi chương trình, dự án Tài chính vi mô thành tổ chức Tài chính vi mô; Địa bàn hoạt động, nguồn vốn hoạt động, quản trị, điều hành, kiểm soát, hoạt động cho vay và các hoạt động khác; Chế độ tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo; Chấm dứt hoạt động và xử lý vi phạm đối với chương trình, dự án TCVM; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của NHNN, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành liên quan và của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức phi chính phủ…

Các đại biểu dự Tọa đàm đã phân tích thực trạng hoạt động Tài chính vi mô tại Việt Nam, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư của NHNN, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động Tài chính vi mô tại Việt Nam phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.

( Theo thông tin điện tử NHNN Việt Nam)

Share this post