Tránh vòng xoáy nợ nần khi vay tiêu dùng
Tránh vòng xoáy nợ nần khi vay tiêu dùng
Với thủ tục vay đơn giản, thời gian xét duyệt và giải ngân nhanh chóng, dịch vụ cho vay tiêu dùng đang thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi, người vay cũng cần lưu ý một số điểm để khoản vay không trở thành gánh nặng nợ nần.
Cạnh tranh cho vay tiêu dùng, khách hàng hưởng lợi
Cho vay tiêu dùng là sản phẩm tín dụng nhằm hỗ trợ tài chính cho khách hàng có nhu cầu mua sắm vật dụng gia đình, đồ điện tử, sửa chữa nhà ở, thanh toán học phí, đi du lịch,… và được cung cấp chủ yếu bởi các công ty tài chính. Hiện nay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố có hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển mạnh nhất so với cả nước. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 9-2015, dư nợ cho vay tiêu dùng ở Hà Nội đã lên đến 83.000 tỷ đồng, và ở TP Hồ Chí Minh là khoảng hơn 40.000 tỷ đồng.
Nắm bắt nhu cầu vay tiêu dùng ngày một tăng mạnh, các công ty tài chính, tổ chức tín dụng đã liên tục triển khai các chương trình kích cầu vay tiêu dùng với mức lãi suất hấp dẫn. Không chỉ vậy nhiều công ty tài chính còn chủ động kết hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: Điện máy, xe máy, thiết bị vật tư… để triển khai các gói sản phẩm cho vay với thời gian giải ngân nhanh chóng, thủ tục đơn giản. Cam kết về thời gian xét duyệt đã tạo điều kiện rất lớn cho khách hàng tiếp cận được vốn vay. Đơn cử như để được hỗ trợ các khoản vay đến 70 triệu đồng, khách hàng chỉ cần mang theo chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu hoặc bằng lái xe, một số giấy tờ khác tùy theo từng sản phẩm cụ thể mà không cần thế chấp tài sản, thời gian xét duyệt hồ sơ vay và giải ngân chỉ từ vài phút đến tối đa trong năm ngày làm việc.
Không chỉ thuận tiện trong quá trình vay, các công ty tài chính cũng đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong việc thanh toán các khoản vay. Ngoài những kênh thanh toán truyền thống như ngân hàng và bưu điện, các công ty tài chính cũng đã liên kết với nhiều đối tác nhằm cung cấp các giải pháp thanh toán nhanh chóng và thuận tiện cho khách hàng. Hiện một số công ty tài chính đang cho phép khách hàng thực hiện thanh toán tại các điểm thanh toán Payoo trên cả nước (tại cửa hàng bán lẻ lớn như: FPT Shop, Viễn Thông A, Nguyễn Kim, Thế giới Di động, Circle K…); các điểm giao dịch MoMo trên cả nước; và hệ thống cửa hàng Viettel.
Chị Thu Hằng (Hà Đông, Hà Nội), người mới mua chiếc máy giặt cửa trước theo hình thức trả góp chia sẻ, chị từng băn khoăn nên mua chiếc máy giặt cửa trước hay cửa trên, bởi chiếc máy giặt cửa trước có giá gần gấp đôi máy giặt cửa trên nhưng có chế độ sấy khô, tiện dùng trong những ngày mưa, nồm nhưng tại thời điểm đó, chị chỉ có khả năng chi trả một khoản tiền tương ứng khoảng 50% giá trị sản phẩm.Sau khi được nhân viên hướng dẫn về hình thức vay mua hàng trả góp, chỉ cần thanh toán 20% giá trị sản phẩm là đã có thể được sở hữu chiếc máy giặt, số tiền còn lại, công ty tài chính liên kết với siêu thị cho vay với lãi suất hợp lý, chị Hằng đã quyết định mua theo hình thức này.
“Với mức lãi suất chấp nhận được, tôi đã quyết định lựa chọn chiếc máy giặt theo ý một cách dễ dàng mà không chịu áp lực tài chính. Trong khi, các thủ tục cho vay cũng đơn giản, chỉ cần cung cấp chứng minh thư nhân dân, bản công chứng hộ khẩu, hóa đơn tiền điện/nước, internet…” – chị Hằng cho biết.
Để tránh “vòng xoáy nợ nần”
Mặc dù dịch vụ vay tiêu dùng đã đem lại không ít lợi ích và thuận lợi song không ít khách hàng vẫn còn băn khoăn, khi so sánh chênh lệch lãi suất giữa các khoản vay tiêu dùng của công ty tài chính với vay ngân hàng thương mại hoặc khoản vay tiêu dùng với vay thông thường có tài sản thế chấp.
Không ít khách hàng khi đặt bút ký hợp đồng vay tiêu dùng không xem qua nghĩa vụ trả nợ cũng như số tiền vốn, tiền lãi phải trả góp hằng tháng. Chỉ đến khi gặp khó khăn khiến mất cân đối về tài chính, không thể thanh toán đúng hạn và kịp thời, họ mới xem xét lại hợp đồng và “tá hỏa”, tố các công ty tài chính cho vay với lãi suất cao.
Do đó, theo tư vấn của nhiều chuyên gia tài chính, trước khi quyết định vay một khoản tiền, người vay cần cân nhắc kỹ xem liệu điều đó có thực sự cần thiết hay không và phải có kế hoạch chi tiết về việc hoàn trả. Tiếp đó, cần đọc kỹ các điều khoản và điều kiện vay mượn. Do có nhiều công ty tài chính liên kết với các doanh nghiệp bán lẻ hoặc đưa ra các gói vay và lãi suất ưu đãi khác nhau nên trước khi vay, người vay cần tìm hiểu xem sản phẩm của họ là gì, so sánh thế mạnh của các doanh nghiệp với nhau cũng như tìm hiểu kỹ về các mức phí phạt và lãi suất phải trả nếu chấp nhận vay.
Theo tìm hiểu trên thị trường, hiện nay thông thường có hai phương thức trả nợ phổ biến là tính theo dư nợ ban đầu và tính theo dư nợ giảm dần. Phương thức trả nợ theo dư nợ ban đầu chỉ áp dụng cho hình thức vay tín chấp, khách hàng sẽ trả tiền gốc cộng lãi suất quy định cố định. Còn với phương thức trả theo dư nợ giảm dần, hằng tháng, khách hàng sẽ trả một khoản tiền bao gồm gốc và lãi tính theo số nợ thực tế, do đó, số tiền lãi phải trả hằng tháng sẽ giảm dần.
Đáng lưu ý, các chuyên gia nhấn mạnh, người vay không nên vay vốn khi đang trong cảnh thất nghiệp hay không có dự trữ tài chính bởi việc ký kết các khoản vay sẽ khiến người vay rơi vào trạng thái không có khả năng trả nợ và sẽ khiến khoản vay ngày càng “phình” to do các loại phí phạt chậm trả nợ.
Ngoài ra, thay vì vội vàng đặt bút ký vào hợp đồng, khách hàng có thể kiểm tra độ tin cậy của các tổ chức cho vay bằng cách vào trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước để tìm kiếm những tổ chức tài chính đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước để không bị vướng vào mối quan hệ tín dụng với một tổ chức hay cá nhân cho vay phi pháp.
( trích baonhandan)