Tương lai ngân hàng trong kỷ nguyên số
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được giới chuyên gia đánh giá là phát triển theo hàm số mũ chứ không phải tốc độ tuyến tính…
Điều khiến CMCN 4.0 trở nên khác biệt với các cuộc cách mạng trước đó chính là sự dung hợp của các công nghệ, cũng như sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số hoá và sinh học. Ngân hàng trong kỷ nguyên số sẽ rất khác, khi số hoá ngân hàng sẽ không chỉ dừng lại ở nâng cao hiệu quả của quy trình xử lý, mà phải tập trung nâng cao trải nghiệm của cả khách hàng và trải nghiệm trong quá trình triển khai.
Tư duy chiến lược
Trên thực tế, có nhiều yếu tố khác nhau đang thúc đẩy cuộc cách mạng ngân hàng số tại châu Á. Ông Đỗ Thanh Danh – Giám đốc Bộ phận Tư vấn công nghệ, PwC Việt Nam cho rằng, sự phát triển của các siêu ứng dụng góp phần nâng cao chuỗi giá trị hàng hoá, dịch vụ trong cùng một nền tảng; cộng thêm việc các cơ quan quản lý và Chính phủ đang thực hiện các bước để mở rộng hệ thống ngân hàng đến những người mới sử dụng và các mô hình phân phối khác nhau cũng là những yếu tố là đòn bẩy cho triển khai ngân hàng số.
Tại Việt Nam, ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành chủ động và đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý và kinh doanh. Có thể nói, thời gian qua, dưới sự điều hành của NHNN và sự năng động của các NHTM, những công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng đồng bộ, hiệu quả trong toàn bộ hệ thống. Chính sự chủ động này đã tạo ra nền tảng vững chắc và những lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới, khi kinh tế số phát triển, xu thế thanh toán điện tử tăng nhanh… Tuy nhiên, lợi thế bao giờ cũng đi cùng với thách thức, sự phát triển như vũ bão của công nghệ mới như chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… đòi hỏi ngành Ngân hàng phải thay đổi về mô hình quản lý cấu trúc sản phẩm, cũng như ứng phó với nguy cơ đến từ vấn đề an toàn, an ninh mạng…
Trong chia sẻ của mình, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đã nhiều lần nhấn mạnh về “tư duy ngân hàng số”. Theo chuyên gia này, không thể coi ngân hàng số chỉ đơn thuần là một dự án về công nghệ thông tin, ngân hàng số bắt buộc phải là chiến lược. Cả từ phía cơ quan quản lý cũng như bản thân mỗi NHTM phải xây dựng chiến lược ngân hàng số bài bản, thay đổi văn hóa quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh số hóa; tập trung cơ cấu lại mô hình, mạng lưới hoạt động, kênh phân phối phù hợp với điều kiện, tình hình mới…
NHNN thời gian qua đã và đang rất tích cực, chủ động tập trung nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi số ngành Ngân hàng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện hạ tầng công nghệ, hạ tầng thanh toán số; đẩy mạnh ứng dụng giải pháp công nghệ số phục vụ cho lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tài chính; ứng dụng các giải pháp công nghệ chủ chốt nhằm thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0.
Đặc biệt, việc NHNN chính thức có quy định cho phép mở tài khoản thanh toán của cá nhân tại các TCTD bằng phương thức định danh điện tử (eKYC) đã giúp cho việc tiệm cận với ngân hàng số của các nhà băng tiến gần thêm một bước. Nắm bắt xu thế phát triển của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên thế giới và nhu cầu thực tế của người dân, ngân hàng và doanh nghiệp trong nước, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm khuyến khích hợp tác trong mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa ngân hàng và tổ chức Fintech. Được biết, trong quý I/2021, NHNN đã hoàn thành trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị định này.
Về phía các ngân hàng, theo Vụ Thanh toán hiện có khoảng 95% TCTD đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 39% TCTD đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh; 42% TCTD đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Chuyên gia tài chính Phạm Xuân Hoè nêu quan điểm, mặc dù thời gian diễn ra việc chuyển đổi số cho đến khi số hóa thành công hoạt động ngân hàng là tùy thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng lựa chọn kịch bản tối ưu trong quá trình thay đổi để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường ở mỗi ngân hàng khi hoạch định chiến lược phát triển sẽ là vô cùng quan trọng.
Theo ông Hoè, có thể xảy ra 4 kịch bản. Ở kịch bản 1, xuất hiện người chơi mới (Fintech, Big Tech), ở đó các ngân hàng hiện hữu sẽ có bên thắng và bên thua cuộc. Với kịch bản 2, ngân hàng với các mô hình truyền thống vẫn chiếm ưu thế với việc tích hợp theo chiều dọc từ sản phẩm dịch vụ đến khách hàng và quản lý nguồn lực tài chính. Kịch bản 3 sẽ là cuộc cách mạng về ngân hàng, ở đó công nghệ và các quy định quản lý mở hơn sẽ làm giảm các rào cản gia nhập thị trường, có thêm nhiều người chơi mới, ngân hàng chỉ còn là các bên cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính cho các đối tác (kết nối mở API với bên thứ 3) mà không trực tiếp tương tác với khách hàng. Và kịch bản thứ 4, các ngân hàng hiện tại chuyển đổi mô hình để tồn tại, ở đó các ngân hàng chuyển sang hoạt động theo từng mô-đun và chuyên biệt hóa.
Dữ liệu là tài nguyên giá trị
Trong kỷ nguyên số, điều khiến ngân hàng giữ chân được khách hàng, nâng cao tính cạnh tranh với các “người chơi” mới trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng cần phải đặt mình vào vị trí của khách hàng để thấu hiểu nhu cầu của họ. Và muốn hiểu được thì buộc phải có dữ liệu về khách hàng.
Ngày nay, dữ liệu số trở thành một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng, được mô tả là “một loại dầu mới – new oil”. Với lịch sử hoạt động nhiều năm, ngân hàng có hệ thống dữ liệu khách hàng lớn hơn rất nhiều so với đối thủ là các công ty Fintech còn non trẻ.
Big Data nổi bật so với dữ liệu truyền thống bởi lượng dữ liệu lớn hơn nhiều lần; tốc độ xử lý cao không chỉ bao gồm khả năng truy xuất, xử lý, phân tích gần như tức thời mà còn bao gồm cả sự đáp ứng với tốc độ thay đổi dữ liệu lớn và thường xuyên; sự đa dạng với dữ liệu có cấu trúc, phi cấu trúc, từ nhiều nguồn khác nhau…
Bởi thế, việc khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu này là rất cần thiết để ngân hàng chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc phân tích dữ liệu khách hàng sẽ giúp nhà băng tiếp cận khách hàng tiềm năng tốt hơn khi nhận biết nhu cầu của khách hàng để thay đổi cách thức kinh doanh truyền thống của ngân hàng là “bán cái mình có” sang “bán cái khách hàng cần”, đẩy mạnh bán chéo sản phẩm. Khai thác dữ liệu cũng có thể giúp ngân hàng nhận biết được những đối tượng khách hàng đang có ý định ngưng sử dụng dịch vụ thông qua phân tích dữ liệu như loại giao dịch, tần suất, giá trị giao dịch để có kế hoạch hành động cần thiết cải thiện quan hệ với khách hàng…
Tuy nhiên, để triển khai Big Data thành công cần phải có chiến lược tổng thể; đi cùng với xây dựng được đội ngũ chuyên gia có hiểu biết sâu cả về lĩnh vực tài chính lẫn Big Data. Xác định, kết nối và thu thập dữ liệu cần thiết; xây dựng cơ chế, chính sách chặt chẽ trong việc bảo mật, an ninh thông tin…
Một chuyên gia về dữ liệu cho rằng, từ việc ý thức vai trò của quản trị dữ liệu, ngân hàng cần thành lập các bộ phận quản lý dữ liệu chuyên biệt, đi cùng với đó là giải pháp công nghệ để quản lý dữ liệu hiệu quả.
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, nắm và hiểu được dữ liệu, khai thác tốt dữ liệu cũng đồng nghĩa với việc cải thiện chất lượng các mô hình lượng hoá rủi ro, từ đó giúp quản trị rủi ro của ngân hàng tốt hơn. Làm chủ được dữ liệu còn giúp phát triển các mô hình dự báo theo thời gian thực, đáp ứng lập tức nhu cầu khách hàng; đồng thời tăng tính minh bạch, hỗ trợ tự động hoá… Nắm trong tay một khối dữ liệu khổng lồ, nhưng chất lượng dữ liệu mới là thách thức lớn nhất khi thu thập và quản lý dữ liệu. Chưa kể tới việc các ngân hàng gặp khó khăn liên quan tới chuyên viên và đào tạo nhân viên, xử lý lượng dữ liệu lớn, mức độ thay đổi dữ liệu chi tiết, quản trị, ngân sách, tài nguyên công nghệ thông tin…
Bộ Công an đã chính thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi đi vào hoạt động các bộ, ngành có kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được chia sẻ thông tin công dân theo đúng chức năng, quyền hạn cho phép để phục vụ hỗ trợ quản lý, xác thực khách hàng và người thụ hưởng khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ của bộ, ngành đó. Như vậy, quy mô và chất lượng dữ liệu mà ngân hàng có thể khai thác là vô cùng có giá trị.
Nguồn: Khuê Nguyễn – Thời báo ngân hàng