Vay tiêu dùng: Thị trường chưa khai phá hết tiềm năng
Vay tiêu dùng: Thị trường chưa khai phá hết tiềm năng
Nhấn mạnh điều này, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, một trong các nguyên nhân khiến lãi suất cho vay tiêu dùng hiện vẫn ở mức cao là vì số lượng người tham gia vào thị trường này chưa nhiều. Nói cách khác là thị trường chưa khai phá hết tiềm năng của nó.
Vay tiêu dùng được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng ở thị trường hơn 90 triệu dân như Việt Nam. Đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” mà các ngân hàng, công ty tài chính trong và ngoài nước đang chú trọng hướng tới. Tuy nhiên hiện nay hoạt động “vay tiêu dùng” vẫn chưa được người dân đón nhận nhiệt tình bởi cho rằng lãi suất vẫn còn cao so với ngân hàng, thủ tục rườm rà hơn so với tín dụng đen… Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh.
– Thưa chuyên gia, vì sao người dẫn vẫn ngại vay tiêu dùng? Có phải một phần là do ấn tượng tín dụng “đen” đã để lại vết hằn quá sâu trong tâm thức của người dân hay không?
TS. Vũ Đình Ánh: Trước hết là do công tác thông tin tuyên truyền về tài chính tiêu dùng cho người dân lâu nay vẫn còn mỏng và yếu. Đại bộ phận người dân vẫn chưa thể phân biệt được cho vay tiêu dùng (CVTD) của công ty tài chính (CTTC) với tín dụng “đen” công khai hoặc tín dụng “đen” ngầm.
Bản chất của tín dụng “đen” liên quan đến cách thức cho vay, phục vụ cho nhu cầu phi pháp như đánh bạc, hoạt động đảo nợ, buôn lậu, buôn bán ma túy… còn CVTD khác biệt với tín dụng “đen” ở chỗ, không có khoản vay sử dụng vào mục đích phi pháp. Cả tín dụng “đen” và CVTD đều căn cứ vào lãi suất thỏa thuận. Tuy nhiên, CVTD luôn cho người vay khoản thời gian trả nợ với mức lãi suất hợp lý, không tính lãi suất theo ngày, lãi suất “cắt cổ” như tín dụng “đen”. Tính chất cưỡng bức của tín dụng đen cũng cao hơn rất nhiều so với CVTD.
Cách thu hồi nợ hoàn toàn khác nhau. CVTD là hoạt động tín dụng chính thức. Tín dụng “đen” là hoạt động phi chính thức, thậm chí là phi pháp nên có thể sử dụng các biện pháp phi pháp để đòi nợ.
Vấn đề đặt ra cho thời gian tới là cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tài chính tiêu dùng và phân biệt được đâu là CVTD của các CTTC và đâu là vay tín dụng đen. Từ đó, người dân sẽ mạnh dạn quyết định tiếp cận tới nguồn tài chính phù hợp với nhu cầu của họ. Không nên để xảy ra câu chuyện: Người có mục đính phi pháp đi vay tiêu dùng và ngược lại, người muốn vay tiêu dùng với nhu cầu chính đáng lại tìm đến tín dụng “đen”.
Công tác tuyên truyền là công tác quan trọng nhất, cùng với đó, vẫn cần hoàn thiện khuân khổ pháp lý CVTD. Khi thị trường này phát triển, tự khắc tín dụng đen sẽ giảm bớt.
– Lãi suất cho vay của các CTTC còn ở mức cao, ông có thể lý giải điều này?
Một trong các nguyên nhân khiến lãi suất CVTD hiện nay ở mức cao là vì, số lượng người tham gia vào thị trường này chưa nhiều.
Nói cách khác là thị trường chưa phát triển hết tiềm năng của nó. Các tổ chức tài chính chưa phát huy được lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Giống như thị trường cước điện thoại, nếu như số lượng người sử dụng chưa lớn thì người dùng buộc phải trả phí rất cao.
Bài toán đặt ra là làm sao để giảm phí, tăng số lượng người sử dụng lên, khi số lượng người sử dụng càng lớn thì phí lại càng có điều kiện để giảm xuống, thị trường có cơ hội phát triển. Điều này đi ngược lại với tư duy cũ là ít người sử dụng thì phí phải cao. Khi một CTTC được thành lập cần có chi phí cố định, cũng như chi phí biến đổi có liên quan. Khi số lượng người sử dụng càng lớn thì tự khắc tỷ lệ chi phí cố định sẽ giảm xuống. Một khi không còn độc quyền, người ta đều phải tư duy như thế. Ăn lãi mỗi người 1 đồng mà ăn lãi của 1.000 người còn hơn là ăn lãi 1.000 đồng của 1 người.
Vậy tại sao lãi suất cho vay của các CTTC lại luôn luôn cao hơn khi vay ngân hàng?
Lý do thứ nhất là nguồn huy động của các CTTC thông thường là đắt hơn so với các nguồn của các ngân hàng thương mại.
Thứ hai, công ty tài chính CVTD với các điều kiện dễ dàng hơn rất nhiều so với điều kiện của các ngân hàng thương mại, theo đó lãi suất phải cao hơn ngân hàng.
Thứ ba, các khoản CVTD của CTTC chứa đựng những rủi ro cao hơn so với rủi ro của hệ thống ngân hàng, khiến cho lãi suất cho vay của CTTC sẽ cao hơn ngân hàng.
Thứ tư, thị trường CVTD là một thị trường mới. Ở Việt Nam, cung chưa đáp ứng cầu, nên lãi suất CVTD của các CTTC đứng ở mức cao là phù hợp với quan hệ cung-cầu và quan hệ cạnh tranh trên thị trường này.
Và thứ năm, cũng do thị trường CVTD là thị trường mới, quy mô còn hẹp, nên các CTTC chưa phát huy được lợi thế kinh tế. Yếu tố này cũng góp phần đẩy lãi suất của CVTD lên một mức cao hơn ngân hàng.
– Theo ông, đã tới lúc đầu tư để phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính tiêu dùng ở khu vực nông thôn?
Mở rộng thị trường CVTD về khu vực nông thôn là một xu thế tất yếu, tuy nhiên thời điểm và tốc độ phát triển thị trường CVTD của các CTTC tại địa bàn nông thôn sẽ phụ thuộc vào chiến lược và kế hoạch kinh doanh của mỗi CTTC, cũng như triển vọng phát triển CVTD cho 70% dân số hiện đang sống ở khu vực nông thôn. Chúng ta có thể hình dung CVTD tại khu vực nông thôn sẽ diễn biến tương tự như thị trường điện thoại di động ở Việt Nam trong thời gian qua.
Thông thường ở hoạt động CVTD, người đi vay phải chứng minh thu nhập. Hiện nay, việc chứng minh thu nhập dễ dàng nhất đối với bộ phận làm công ăn lương. Số lượng người dân sống tại nông thôn thoát ly khỏi nông nghiệp, đi làm tại các khu công nghiệp và người nông dân đi làm thuê (giống khái niệm công nhân nông nghiệp ở Mỹ) làm cho các trang trại, có thu nhập ổn định, chứng minh được thu nhập thì tính chất CVTD tại khu vực nông thông sẽ khác, CVTD tại đây sẽ có cơ hội phát triển.
Như trường hợp của Viettel, trong khi các doanh nghiệp khác thờ ơ với thị trường nông thôn thì Viettel đã tấn công vào thị trường này và đã gặt hái được những thắng lợi lớn.
– Thời điểm này, theo ông, Nhà nước có nên áp trần lãi suất CVTD?
Theo tôi là không nên. Áp trần thực chất là một biện pháp hành chính. Biện pháp này chỉ áp dụng khi thị trường chưa phát triển hoặc thị trường đó méo mó. Thị trường tài chính tiêu dùng hiện đang trên đà phát triển, quy luật thị trường chưa được vận hành một cách đầy đủ, nên việc áp trần là không cần thiết./.
( trích cafef)