VCBS: Còn quá sớm để lo ngại về “siêu chu kỳ hàng hóa”, lãi suất cho vay trong nước còn dư địa giảm

VCBS: Còn quá sớm để lo ngại về “siêu chu kỳ hàng hóa”, lãi suất cho vay trong nước còn dư địa giảm

(VNF) – VCBS cho rằng vẫn còn là quá sớm để lo ngại về khả năng xảy ra một “siêu chu kỳ hàng hóa”, theo đó tạo áp lực lên lạm phát trong trung và dài hạn. Các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và cho rằng các yếu tố chính làm tăng lạm phát hiện nay không có tính chất lâu bền. Trong nước, VCBS đánh giá lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới, trong khi lãi suất cho vay còn dư địa giảm thêm.

Trong báo cáo vĩ mô công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra một nhận định đáng chú ý: “Vẫn còn là quá sớm để lo ngại về khả năng xảy ra một “siêu chu kỳ hàng hóa”, theo đó tạo áp lực lên lạm phát trong trung và dài hạn”.

Cụ thể, theo chuyên gia của VCBS, mặc dù Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo xu hướng tăng giá hàng hoá sẽ chiếm thể chủ đạo trong năm nay nhưng chính sách tiền tệ nới lỏng trên thế giới vẫn sẽ được duy trì ít nhất cho tới năm 2022. Ở thời điểm này, các ngân hàng trung ương chưa cho thấy tín hiệu nào định hướng cho việc thay đổi chính sách tiền tệ bắt nguồn từ lo ngại xung quanh lạm phát.

Sở dĩ chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn được duy trì dù có hiện tượng lạm phát tăng mạnh, nhất là giá một số mặt hàng đầu vào phục vụ cho nguyên liệu sản xuất, là bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có quan điểm rằng trong giai đoạn này, các yếu tố làm tăng lạm phát không có tính chất lâu bền, mang tính chất đặc thù và riêng biệt.

Trong nước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước, VCBS dự báo lạm phát tháng 5 có thể giảm 0,1% so với tháng 4, tương ứng tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước do sức tiêu dùng phần nào bị tác động bởi làn sóng dịch mới nhất xâm nhập vào Việt Nam.

Theo công ty chứng khoán này, áp lực lạm phát hiện nay không nhiều, chủ yếu đến từ giá dầu và giá nguyên vật liệu xây dựng.

Trong bối cảnh lạm phát thuận lợi, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay không có nhiều biến động trong tháng 4. Giai đoạn này, thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thể hiện sự nhất quán, kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ bất động sản và định hướng chung vẫn là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

VCBS đánh giá lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm khá trong khoảng 1 năm trở lại đây.

Riêng với thị trường liên ngân hàng, trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng khiến chênh lệch huy động – tín dụng thu hẹp. Theo đó, thanh khoản các ngân hàng thương mại cũng kém dồi dào hơn, lãi suất liên ngân hàng có thể chịu áp lực trong ngắn hạn.

Share this post