Tín dụng thúc đẩy tăng trưởng xanh

Tín dụng thúc đẩy tăng trưởng xanh

Tăng trưởng tín dụng xanh và phát triển bền vững không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu và ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh.

Thông tin đáng chú ý trên thị trường tuần qua là khoản vay trung dài hạn trị giá 100 triệu USD vừa được ký kết, nâng tổng mức cấp tín dụng của IFC cho OCB lên đến 280 triệu USD. Khoản tín dụng này nhằm giúp OCB đẩy mạnh cho vay phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và đầu tư cho các dự án thân thiện với khí hậu. Có thể nói hiện IFC là nhà tài trợ lớn nhất cho tín dụng xanh ở Việt Nam. Năm 2020 thông qua việc ký kết “Hợp đồng cho vay tín dụng xanh” VPBank đã nhận được khoản tài trợ lên đến 212,5 triệu USD với IFC và các nhà đồng tài trợ quốc tế uy tín. Một khoản tín dụng xanh lớn khác được tài trợ năm 2019 là Dự án năng lượng tái tạo (năng lượng xanh, bảo vệ môi trường) giữa Vietcombank và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) trị giá 200 triệu USD.

Tăng trưởng tín dụng xanh và phát triển bền vững không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu và ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh. Việc này xuất phát từ chủ trương chung của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thông qua các văn bản như: Quyết định số 1393/QĐ-TTg (2012) của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định số 813/QĐ-NHNN (2017) về “Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp” dựa trên Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ.

Việc triển khai tín dụng xanh không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội mà còn hỗ trợ rất lớn cho các TCTD phát triển, tiệm cận với các chuẩn mực tài chính quốc tế chung. Bởi, ngoài việc nhận được khoản tài trợ, ngân hàng cũng nhận được tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia quốc tế trong việc xây dựng khung chính sách về tín dụng xanh và công cụ tài chính bền vững, thiết lập hệ thống theo dõi, quản lý và báo cáo về tình trạng sử dụng vốn cho các dự án xanh… Đơn cử, qua khoản tài trợ tín dụng xanh nói trên, IFC sẽ giúp VPBank trở thành tổ chức tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng một bộ tiêu chuẩn quốc tế toàn diện về tín dụng xanh.

Vai trò của tín dụng xanh trong phát triển bền vững là điều không cần bàn cãi, song sự xuất hiện của Covid-19 một lần nữa đặt ra những yêu cầu lớn hơn. Ông Vivek Pathak – Giám đốc Toàn cầu Khối Đầu tư Khí hậu của IFC cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và các nền kinh tế trên toàn cầu, nhưng cũng đem đến cơ hội để các Chính phủ nhìn nhận lại định hướng phát triển của nền kinh tế, từ đó phân bổ các nguồn lực vốn hạn chế một cách phù hợp và hiệu quả. Tái thiết với trọng tâm chiến lược là các giải pháp thông minh, thân thiện với khí hậu sẽ giúp tạo ra các cơ hội việc làm và thu hút đầu tư hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang quỹ đạo tăng trưởng kinh tế carbon thấp…

Nếu lấy năm 2015 là mốc đánh dấu độ phổ cập của tín dụng xanh thì từ đó đến nay tín dụng xanh ở Việt Nam có mức tăng trưởng hai con số mỗi năm và hiện chiếm khoảng 5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Hiện có trên 30 TCTD có phát sinh dư nợ đối với các dự án xanh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (trên 40%) và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

Thời gian gần đây, điện mặt trời đang phát triển mạnh mẽ, nhưng lại được đầu tư manh mún, thiếu quy hoạch, kém hiệu quả. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho chúng ta trong đầu tư phát triển xanh. Đơn cử, với sự phát triển nhanh của thị trường bất động sản, đây là thời điểm thích hợp để phát triển những công trình xanh. Theo tư vấn của IFC, các TCTD có thể phát triển các sản phẩm như: Thế chấp Xanh – chi phí tiện ích thấp hơn, bù đắp cho chi phí công nghệ xanh; Trái phiếu Xanh – một công cụ tài chính có thu nhập cố định với việc chứng khoán hóa các khoản vay bất động sản xanh để sử dụng làm tài sản thế chấp; Cho vay Cải tạo Nhà ở – các khoản vay thông thường hoặc có lãi suất tốt hơn so với thị trường để cải tạo nhà ở xanh…

Những sản phẩm tín dụng xanh này sẽ mở ra cơ hội cho ngân hàng và củng cố thêm định hướng phát triển bền vững.

Nguồn: Hà An – Thời báo ngân hàng

Share this post