Vì sao ngân hàng không được tự ý hoàn tiền cho người chuyển nhầm?
Việc ngân hàng tự ý hoàn tiền theo yêu cầu của người chuyển nhầm sẽ rất rủi ro và là cơ hội cho các giao dịch gian lận, theo chuyên gia.
Lâu nay có nhiều trường hợp người chuyển tiền nhầm nhưng mãi không lấy lại được, nguyên nhân chủ yếu do người nhận “bỏ không” tài khoản và ngân hàng cũng không thể liên hệ được với họ.
Dù người chuyển làm đơn tra soát yêu cầu hoàn tiền do sai sót, quy định hiện nay không cho phép ngân hàng tự ý cung cấp thông tin cá nhân người nhận cũng như phong tỏa khoản tiền nhầm hay hoàn tiền khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản nhận. Việc phong tỏa khoản tiền nhầm và hoàn lại chỉ được thực hiện nếu do lỗi của ngân hàng thao tác sai với yêu cầu của khách hàng.
Trường hợp khách chuyển nhầm, lãnh đạo các ngân hàng cho biết phía nhà băng không thể tự ý hoàn lại dựa trên yêu cầu của người chuyển. Vì điều này sẽ khiến nhiều người có thể lợi dụng quy định này để gian lận trong thương mại. Ví dụ, người mua có thể chụp hình chuyển khoản thành công cho người bán và hàng được gửi đi, nhưng sau đó nếu người mua yêu cầu ngân hàng hoàn lại tiền với lý do nhầm lẫn và tiền được hoàn lại, người bán sẽ bị thiệt hại.
Trưởng bộ phận dịch vụ khách hàng cá nhân của một nhà băng nói với VnExpress, trong trường hợp khách hàng nhầm lẫn khi giao dịch tại quầy, ngân hàng có thể dừng lệnh chuyển khi tiền chưa đến tài khoản người nhận.
Nhưng với các giao dịch chuyển tiền online, việc hoàn tiền chỉ được thực hiện khi ngân hàng xác định đúng là khoản tiền nhầm lẫn dựa trên sự đồng ý của cả người chuyển và người nhận. “Do đó, trong trường hợp không thể liên hệ với người nhận hoặc người nhận không đồng ý hoàn trả tiền, ngân hàng cũng không thể tự ý phong tỏa hay hoàn tiền cho người chuyển”, cán bộ ngân hàng trên nói.
Quy định hiện nay cũng ghi rõ ngân hàng chỉ phong tỏa một phần hoặc toàn bộ tài khoản khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, nếu vẫn không liên hệ được với người nhận hoặc họ không tự nguyện trả lại, người chuyển cần khởi kiện dân sự hoặc báo công an để nhờ hỗ trợ. Khi nhận được thông báo từ công an, ngân hàng lúc đó sẽ phong tỏa khoản tiền chuyển nhầm.
Quy trình khởi kiện hoặc điều tra của công an có thể mất thời gian, nhưng người chuyển nhầm sẽ lấy lại được tiền. Người nhận nếu cố tình không hoàn trả tiền có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự vì tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Bởi vậy, trong khi các giao dịch online ngày càng nhanh và tiện nhưng cũng kèm theo rủi ro, các chuyên gia khuyến cáo chủ tài khoản cần kiểm tra kỹ trước khi thanh toán hay chuyển tiền.
Với giao dịch chuyển tiền nhanh, ngay sau bước nhập ngân hàng và gõ tài khoản, tên người nhận sẽ được hiển thị tự động. Các nhà băng khuyến cáo người chuyển tiền cần đối chiếu lại họ tên cũng như số tài khoản một lần nữa, đặc biệt tránh sai sót. Dù hy hữu nhưng đã có trường hợp gõ sai số tài khoản và vẫn hiện ra tên người chủ tài khoản khác trùng với tên người cần nhận (có thể khác họ). Do không kiểm tra kỹ thông tin nên tiền được chuyển đi nhưng lại chuyển nhầm tới người lạ.
Trong trường hợp chuyển tiền thường, người chuyển cần nhập đầy đủ ngân hàng, số tài khoản, họ tên. Nếu do sai sót khiến họ tên người nhận không trùng khớp số tài khoản, ngân hàng sẽ hoàn lại tiền cho người nhận sau vài ngày làm việc.
Nguồn: Tường An – Vnexpress