Ngân hàng Thương mại thở phào với Thông tư 08

Ngân hàng Thương mại thở phào với Thông tư 08

Gia hạn thời hạn trái phiếu VAMC: NHTM thở phào với Thông tư 08

gia han thoi han trai phieuNgày 16/6 vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 08 (08/2016/TT-NHNN), sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 19 (19/2013/TT-NHNN) quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt nam (VAMC). Thông tư mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2016.
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán VPBS, Thông tư 08 bổ sung một số quy định và hướng dẫn cụ thể hơn về các nghiệp vụ trọng yếu của VAMC, qua đó một số quy định về gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt, cơ cấu lại khoản nợ xấu đã mua, cơ chế bán nợ xấu và tài sản bảo đảm, xử lý số tiền thu được và nguyên tắc trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường được cụ thể hóa, tạo điều kiện cho việc thực thi các quy định này dễ dàng hơn cho VAMC trong thời gian tới. Như vậy mặc dù không đưa ra quy định mới nào có tính đột phá, Thông tư 08 vẫn mang lại những thông tin tương đối tích cực đối với hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp có nợ xấu đang được VAMC quản lý.
Gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt từ 5 năm lên 10 năm
Điều 2 và Điều 3 của Thông tư 08 bổ sung một số chi tiết về quy định gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt (TPĐB) từ 5 năm lên 10 năm. Theo VPBS điều này đồng nghĩa với việc giảm chi phí dự phòng rủi ro. Trong bối cảnh ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn, việc gia hạn này sẽ giúp nhiều ngân hàng giảm bớt gánh nặng trích lập dự phòng trong thời gian tới. Việc gia hạn thời hạn TPĐB từ 5 năm lên tối đa 10 năm không phải là một quy định mới.
Trước đây trong Thông tư 14 (14/2015/TT-NHNN), Ngân hàng nhà nước đã cho phép các Tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu hoặc gặp “khó khăn về tài chính” được hưởng ưu đãi này. Điều 2 Thông tư 08 chỉ làm rõ hơn khái niệm các Tổ chức tín dụng gặp “khó khăn về tài chính”. Theo đó TCTD bị lỗ (chênh lệch thu chi trước thuế bị âm) khi trích lập dự phòng rủi ro cho TPĐB do VAMC phát hành được đề nghị gia hạn thời hạn TPĐB.
Ngoài ra, Thông tư 08 cũng làm rõ trình tự, thủ tục và quy định cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan (Ngân hàng nhà nước, TCTD, VAMC, các cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, vụ chính sách tiền tệ, Sở giao dịch) để thực hiện việc gia hạn thời hạn của TPĐB cho các TCTD.
Cơ cấu lại khoản nợ xấu đã mua
Theo VPBS, Thông tư 08 nâng cao vai trò và trách nhiệm của VAMC trong việc cơ cấu lại khoản nợ xấu đã mua. Theo Thông tư 08, VAMC có vai trò chủ động xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm đối với các quyết định liên quan đễn cơ cấu lại khoản nợ xấu đã mua bao gồm miễn giảm lãi quá hạn, điều chỉnh lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vay. Mặc dù VAMC phải trao đổi với TCTD, và Tổ chức tín dụng phải trả lời bằng văn bản trong vòng 10 ngày kể từ ngày VAMC có đề nghị chính thức bằng văn bản, VAMC là tổ chức đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm sau cùng.
VPBS cho rằng việc tăng quyền chủ động cho VAMC sẽ giúp tổ chức này có thể quản lý các khoản nợ xấu và đưa ra được nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, với mục đích sau cùng là giúp các doanh nghiệp có thể trả nợ, thực sự giảm nợ xấu cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Bán nợ xấu theo giá thị trường
Thông tư 08 đã bổ sung và làm rõ các quy định liên quan đến việc bán nợ xấu, phân loại nợ xấu đã mua bằng TPĐB và nợ xấu đã mua theo giá thị trường và đưa ra quy định về bán nợ cho từng loại.
Nếu bán nợ xấu đã mua theo giá thị trường thì công ty quản lý tài sản lựa chọn, quyết định theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ hoặc phương thức đấu giá hoặc phương thức chào giá cạnh tranh. Trong trường hợp thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ, giá bán khoản nợ không thấp hơn giá VAMC mua khoản nợ đó.
Còn trong trường hợp bán nợ xấu đã mua bằng TPĐB, ngoài phương thức đấu giá, việc chào giá cạnh tranh phải đảm bảo có sự tham gia của ít nhất 2 bên mua nợ, VAMC tự định giá hoặc thuê tổ chức định giá độc lập để xác định giá chào bán.
Xử lý và bán tài sản bảo đảm
Thông tư 08 bổ sung điều khoản liên quan đến việc xử lý và bán tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB. Nội dung “VACM phải thống nhất với Tổ chức tín dụng bán nợ về giá bán hoặc giá khởi điểm trong trường hợp bán tài sản đảm bảo (thỏa thuận hoặc đấu giá) và giá trị trong trường hợp VAMC nhận tài sản đảm bảo để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ của bên bảo đảm” vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên Thông tư 08 đã sửa đổi câu từ để làm rõ hơn trường hợp VAMC không thống nhất được với TCTD thì việc bán tài sản bảo đảm phải được thực hiện theo phương thức bán đấu giá quy định tại Điều 18 của Nghị định 53.
( stockbiz)

Share this post