10 năm, loay hoay mô hình ngân hàng bán lẻ
10 năm, loay hoay mô hình ngân hàng bán lẻ
Đầu năm, dạo qua các cuộc họp triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2016 của các ngân hàng vẫn thấy nhấn mạnh đến việc phát triển ngân hàng bán lẻ, một nội dung được nhắc tới nhiều năm qua. Mẫu hình cho một ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam chưa có một đại diện thành công.
Nếu tìm kiếm trên Google cụm từ “ngân hàng bán lẻ” thì chỉ trong 0,58 giây đã cho ra 784.000 kết quả và thông tin bắt đầu được đề cập đến nhiều nhất là từ năm 2006. Thời điểm này cũng khá dễ hiểu bởi theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từ ngày 1/4/2007, các ngân hàng 100% vốn ngoài được phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam.
Với nhận định của các chuyên gia, dân số 85 triệu nhưng mới chỉ có khoảng 10% người dân mở tài khoản tại ngân hàng và hơn 2/3 là dân số trẻ, Việt Nam đang là mục tiêu trong trung hạn của các ngân hàng ngoại.
Trong một sự kiện của Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam được tổ chức vào thời gian khoảng năm 2008, ông Ashok Sud, Tổng giám đốc của Ngân hàng khi đó đã nói: “Standard Chartered tại Việt Nam sẽ bay với ‘hai động cơ phản lực’(song song phát triển cả ngân hàng bán buôn và ngân hàng bán lẻ như nhau – PV)”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, trở ngại trong việc cho vay cá nhân là ở chỗ, Việt Nam chưa có hệ thống tính điểm cá nhân. Ví dụ như ở Mỹ, có 3 công ty chấm điểm cho hầu hết người dân Mỹ với mức tính từ 400-800 điểm.
Ngân hàng bán lẻ chỉ cần vào xem điểm của các cá nhân là bao nhiêu rồi cho vay ra rất nhanh. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có mô hình chung mang tầm cỡ quốc gia như vậy, nên mỗi ngân hàng có một hệ thống tính điểm riêng, thiếu tính chắc chắn, không hiệu quả, do đó ngân hàng bán lẻ vẫn chưa phổ biến.
Việc giải ngân các món vay nhỏ yêu cầu thời gian nhanh, tuy nhiên, do cơ sở dữ liệu đánh giá khách hàng (tín nhiệm) còn yếu nên quy trình giải ngân của các ngân hàng được cho là chưa đáp ứng được yêu cầu. Các mảng dịch vụ bán lẻ khác như thẻ thanh toán, quản lý tài chính cá nhân… vẫn chưa trở thành dịch vụ sử dụng thường xuyên.
Cách đây 2 năm, người viết bài này đã từng có thời điểm chỉ trong 1 tuần, 3 lần với 3 nhân viên khác nhau của ANZ Việt Nam gọi điện mời mở thẻ. Được biết, đó là giai đoạn tăng tốc trong phát triển ngân hàng bán lẻ nên mọi nhân sự phải vào guồng ở mức độ cao nhất. Thực tế, chưa có một con số chính thức nào từ ANZ đưa ra về kết quả của chiến dịch phát triển sản phẩm thẻ đó, nhưng với việc các nhân viên kinh doanh quá tập trung tiếp thị sản phẩm mà chưa để tâm nhiều tới yêu cầu, nguyện vọng của khách hàng, thực tế cho thấy, thẻ chưa mở thêm được cái nào nhưng chắc chắn sự khó chịu của khách hàng là đã có.
“Với những sản phẩm tương tự nhau, chỉ với một chút lợi ích nhỏ được đưa ra, việc ‘câu’ khách hàng từ ngân hàng đối thủ là chuyện bình thường”, một nhân viên tín dụng cho biết.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP phụ trách khối bán lẻ nói: “Chừng nào, các ngân hàng vẫn loay hoay dòm sang nhau, ngân hàng đối thủ vừa ra mắt sản phẩm X, thì mình ngay lập tức cũng phải cho ra đời sản phẩm Y tương tự, khi đó, ngân hàng bán lẻ vẫn… dậm chân tại chỗ”.
( trích dautuchungkhoan)