Ngân hàng – Diện mạo mới, sức mạnh mới

Ngân hàng – Diện mạo mới, sức mạnh mới

Diện mạo mới, sức mạnh mới

Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng nhà nước.

2015 tiếp tục là một năm thành công của ngành Ngân hàng với việc đạt được nhiều mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT). 2015 cũng là năm kết thúc giai đoạn tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2011- 2015. 2016 không chỉ mở ra một giai đoạn phát triển mới của ngành Ngân hàng mà còn là năm mở cửa hội nhập sâu rộng hơn của nền kinh tế.

Những thành công trong thời gian qua sẽ tạo nền tảng cho ngành Ngân hàng bước vào giai đoạn phát triển mới, với cả cơ hội và những tác động, thách thức không nhỏ từ hội nhập.                                                                                          ngân hàng

Yếu tố làm nên thành tựu

Theo số liệu mới nhất được Tổng cục Thống kê công bố, GDP năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn 0,48% so với mục tiêu mà Quốc hội đề ra là 6,2%. Con số này ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. GDP năm 2015 cũng tăng cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2008-2010 là 6,14%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, quy mô nền kinh tế năm nay đạt 4.192,9 tỷ đồng, tương đương với khoảng 2.109 USD/người/năm; tăng thêm 57% so với năm 2014. Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng đã công bố chỉ số CPI của cả nước năm 2015 chỉ tăng 0,63% so với năm 2014, đồng nghĩa với việc mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05%.

Ngành Ngân hàng vốn được trao trọng trách chính trong việc kiềm chế lạm phát. Vì thế việc lạm phát thấp nhất trong vòng 14 năm qua phần nào cho thấy thành công của Ngân hàng nhà nước trong điều hành CSTT, không chỉ một năm qua mà là sự nỗ lực trong cả giai đoạn.

Và cũng chính từ việc CPI ở mức thấp, ổn định đã tạo thuận lợi cho việc điều hành CSTT của Ngân hàng nhà nước, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh. Bằng chứng là việc mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm khoảng 0,2 – 0,5%, huy động vốn vẫn tăng 13,59% so với cuối năm 2014 hỗ trợ cho các TCTD cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Ngành Ngân hàng tiếp tục đóng vai trò chính trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Vì thế, việc tín dụng tăng, và tăng đều trở lại (sau một thời gian gần như “dậm chân tại chỗ”) sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Cùng với đó, năm qua Ngân hàng nhà nước linh hoạt điều chỉnh tăng 3% tỷ giá bình quân liên NH và nới biên độ từ +1% lên + 3% để đối phó với diễn biến trên thị trường tài chính toàn cầu. Tới nay, tỷ giá cũng như thị trường ngoại tệ, thị trường vàng đã và đang tiếp tục được giữ ổn định. Vị thế của VND cũng dần được nâng cao hơn.

Một trong những vấn đề có thể tự hào là thành tựu nổi bật trong giai đoạn 2011 – 2015 cũng như của riêng năm 2015, đó là việc tái cơ cấu hệ thống các TCTD bước đầu có những hiệu quả tích cực.

Sau tái cơ cấu giai đoạn vừa qua, số lượng Ngân hàng thương mại trong toàn hệ thống từ 44 NH giảm xuống còn 34. Nợ xấu toàn hệ thống đến 30/11/2015 được đưa về mức 2,72%, vượt mục tiêu 3% đề ra ban đầu. Lành mạnh hoá hệ thống TCTD là điều kiện bắt buộc làm tiền đề bước vào giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu chính phát triển hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh của các TCTD.                                                                                                 Ngân hàngChinh phục thách thức

Mức lạm phát dưới 1% năm 2015 gây bất ngờ cho cả các nhà quản lý cũng như các chuyên gia kinh tế. Bởi Chính phủ cũng chỉ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay ở mức 5% để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế ở mức hợp lý.

GDP tăng cao 6,68% nhưng lạm phát chỉ ở mức 0,63% càng chứng tỏ rằng hiện tượng giảm phát ở Việt Nam là không có, mà nguyên nhân phần lớn là do giá cả hàng hoá quốc tế, đặc biệt là giá dầu thô có xu hướng giảm mạnh.

Tuy nhiên các chuyên gia nhận định: Bước sang 2016, các yếu tố để lạm phát giảm ít nhiều không còn thuận lợi. Đây là thách thức đặt ra lớn nhất của cả nền kinh tế, trong đó có ngành Ngân hàng trong việc điều hành CSTT.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng, năm 2016 sẽ có một số yếu tố tác động đến lạm phát, gây áp lực lên điều hành CSTT của Ngân hàng nhà nước như: nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá điện, nước… sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh tăng trong năm 2016 theo giá thị trường để tránh bù lỗ.

Các bộ, ngành liên quan cũng dự kiến điều chỉnh giá các loại dịch vụ công như y tế, giáo dục… Chưa nói tới việc thuế của nhiều mặt hàng hoá sẽ về 0% khiến nhập khẩu tăng, tác động tới cán cân thanh toán ngoại tệ, nguồn cung ngoại tệ cũng như tỷ giá. Lạm phát vì thế chắc chắn sẽ cao hơn so với 2015.

Thêm vào đó, càng về gần cuối năm 2015, tăng trưởng tín dụng càng tăng tốc. Nếu vẫn duy trì đà này tới đầu năm sau, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng cao hơn huy động vốn, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất của thị trường. Tín dụng tăng quá nhanh, cũng sẽ là nguy cơ với thanh khoản của toàn hệ thống.

Trong khi đó, theo yêu cầu của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước, các TCTD sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình tín dụng phục vụ các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn; DNNVV…

Để phát huy hiệu quả trong triển khai các chương trình tín dụng này cần sự phối hợp chặt chẽ hơn của các bộ, ngành, địa phương để cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn chung, đảm bảo nguồn vốn tín dụng đầu tư đúng đối tượng và có hiệu quả. Các TCTD cũng đặc biệt phải lưu tâm quản trị rủi ro thanh khoản, đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn vốn phù hợp.

Bên cạnh đó, việc huy động một lượng lớn trái phiếu Chính phủ trong năm tới cũng sẽ tạo áp lực với mặt bằng lãi suất. Bởi vậy, việc điều hành lãi suất của Ngân hàng nhà nước trong năm tới sẽ có nhiều điều cần suy tính, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá.

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Cơ hội mở rộng, và thách thức phải đối diện cũng cùng với đó tăng theo. Khó khăn của ngành Ngân hàng không chỉ gói gọn ở những vấn đề nội tại của nền kinh tế, mà còn nằm ở những biến động khó lường trên thị trường tài chính toàn cầu.

Năm 2016 được dự báo là bước chuyển sang một giai đoạn mới với nhiều diễn biến phức tạp hơn. Hai điều có thể nhìn thấy rõ nhất hiện nay là ở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và tỷ giá của đồng Nhân dân tệ (CNY).

Với FED, lần điều chỉnh nâng lãi suất cơ bản lên 0,25% mới đây, dù đã nằm trong tiên liệu của giới tài chính, nhưng vẫn gây ra không ít xáo trộn trên thị trường, đặc biệt ở những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Tác động của lần FED tăng lãi suất này sẽ không tới nhanh, mà sẽ diễn ra từ từ, cho thấy một chu kỳ thắt chặt CSTT của FED có thể kéo dài vài năm.

Về phía Trung Quốc, việc tỷ giá của CNY biến động khó lường thực sự nằm ngoài những dự liệu của thị trường tài chính quốc tế. Trong năm 2016, thật khó để nói trước về sự ổn định của đồng tiền này, khi CNY đã được IMF chấp thuận đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế.

Thời gian qua, những biến thiên của thị trường tài chính quốc tế đã ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý thị trường trong nước. Tâm lý của thị trường là vấn đề rất khó để tháo gỡ trong một sớm một chiều. Điều này đặt ra yêu cầu cho Ngân hàng nhà nước trong việc điều hành CSTT, chủ động ứng phó với biến động của tài chính quốc tế để đưa ra những giải pháp linh hoạt, ổn định tâm lý thị trường trong nước.

Đứng trước những thách thức từ kinh tế thế giới đòi hỏi Ngân hàng nhà nước phải tập trung triển khai nhiều giải pháp, sử dụng linh hoạt các công cụ trong điều hành CSTT một cách nhạy bén, phù hợp với diễn biến mới. CSTT cũng phải được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô để nối dài thêm những thành công chúng ta đã có.

( trích thoibaonganhang)

Share this post