Không nên xem xử lý nợ xấu là việc của riêng Ngân hàng nhà nước

Không nên xem xử lý nợ xấu là việc của riêng Ngân hàng nhà nước

Không nên xem xử lý nợ xấu là việc của riêng Ngân hàng nhà nước

Trong thời gian tới, các bộ liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu. “Nếu coi xử lý nợ xấu là việc của Ngân hàng nhà nước và VAMC thì xử lý sẽ rất khó khăn”.

Đó là nội dung phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với các bộ ngành và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ngày 27/4, tại Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cho biết, nếu như trước đó, ông đã làm việc với Ngân hàng nhà nước để nắm bắt công tác chỉ đạo điều hành về CSTT nói chung, thì buổi làm việc lần này sẽ bàn chuyên sâu về xử lý nợ xấu (XLNX). Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết: Từ khi chính thức đi vào hoạt động ngày 1/10/2013 đến nay, VAMC đã mua nợ của 42 TCTD bao gồm Ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính gồm 16.075 khách hàng với 24.556 khoản nợ, dư nợ 244.000 tỷ đồng, dư nợ gốc 237.000 tỷ đồng và dư nợ giá mua 208.636 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ mua trên giá gốc của VAMC là khoảng 20%, trích lập dự phòng rủi ro 80% giá gốc.

Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình xử lý nợ xấu

Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình xử lý nợ xấu

Trong 4 tháng đầu năm 2016, VAMC đã mua 727 tỷ đồng nợ xấu của hai TCTD. Ông Hùng nhìn nhận, số lượng mua nợ xấu như vậy là chưa được như kỳ vọng. “Năm 2015 triển khai và hoàn thành việc đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%, cho nên năm 2016 các TCTD đang rà soát thêm, phân loại đánh giá, sau đại hội cổ đông mới xem xét đưa ra khoản nợ bán cho VAMC bao nhiêu. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp VAMC đã đưa ra là sẽ đảm bảo kế hoạch mua nợ” – ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích.

Theo đại diện của Ngân hàng nhà nước, đến nay VAMC đã tích cực triển khai XLNX với nhiều biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Từ năm 2013 đến tháng 4/2016, VAMC đã phối hợp với TCTD đã thu hồi nợ được 27.354 tỷ đồng nợ xấu, bao gồm các giải pháp bán nợ, bán TSĐB, thu hồi nợ. Nếu so với nợ gốc là 244.000 tỷ đồng thì đã đạt 11,2%, còn so với nợ mua bằng trái phiếu thì đạt khoảng 13%.

Để thu hồi nợ, VAMC phối hợp với các TCTD đôn đốc thu hồi nợ khách hàng cho vay, yêu cầu bên thế chấp xử lý TSĐB, khởi kiện khách hàng, tiến hành thu hồi nợ qua thi hành án.

Trong 3 năm từ 2013 đến năm 2015, VAMC đã thu nợ được khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Nếu năm 2013 và 2014, công ty chỉ thu được hơn 5.000 tỷ đồng thì chỉ riêng năm 2015, VAMC thu nợ được 17.763 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2016, VAMC đã thu được 4.555 tỷ đồng. Như vậy tốc độ thu nợ 4 tháng đầu năm 2016 đã tăng nhanh hơn, chiều hướng thu hồi nợ chuyển biến tích cực.

“Dư luận thời gian qua đã đặt vấn đề VAMC trong quá trình xử lý đã để thất thoát lớn, nghĩa là khi bán tài sản đi thu hồi nợ không bằng giá gốc. Nhưng qua thực tế triển khai thu hồi nợ của công ty thì tỷ lệ thu hồi nợ bình quân 70-75%, có trường hợp thu được 80-85% dư nợ gốc. Hiện trường hợp bán dưới dư nợ gốc TCTD rất hạn chế, cho nên tỷ lệ thu hồi nợ phần lớn là tương đối cao” – ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Thảo luận tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, VAMC và Ngân hàng nhà nước các cơ quan liên quan đã rà soát, bổ sung và xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ, cơ chế mua bán nợ theo giá thị trường; Bước đầu đã phân loại, đánh giá, phân tích được thực trạng các khoản nợ xấu đã mua để xác định các biện pháp xử lý nợ phù hợp. Có thể nói, từ khi thành lập tới nay, VAMC đã rất cố gắng thực hiện các nhiệm vụ được giao về xử lý nợ xấu trong báo cáo tài chính của các TCTD; tạo điều kiện thuận lợi cho thanh khoản của ngân hàng, DN trong những năm qua.

Nhấn mạnh vấn đề xử lý nợ xấu được Đảng, Nhà nước, cộng đồng DN và người dân rất quan tâm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng hiệu quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn. Do đó, nếu chúng ta không có cơ chế kiểm soát, quản trị tốt thì có khả năng gia tăng nợ xấu trở lại. Trong đó, một trong những công cụ XLNX là VAMC lại gặp khó khăn về cơ chế, pháp lý, trình độ, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ.

Chia sẻ với những vướng mắc của VAMC, Phó Thủ tướng cho biết đã đề nghị Ngân hàng nhà nước tổ chức sơ kết, đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định số 834/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm đề xuất xây dựng Đề án XLNX của hệ thống tín dụng giai đoạn 2016- 2020, trong đó có các giải pháp về pháp lý, thể chế, phát triển thị trường mua bán nợ, tăng cường phối hợp liên ngành và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VAMC.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu. “Nếu coi xử lý nợ xấu là việc của NHNN và VAMC thì xử lý sẽ rất khó khăn”, Phó Thủ tướng nêu rõ nhưng cũng nhấn mạnh sự chủ động tham mưu, thực hiện của Ngân hàng nhà nước và VAMC.

( trích thoiwbaonganhang)

Share this post