Đại biểu QH: cần tránh lặp lại nguy cơ đổ vỡ ngân hàng
Đại biểu QH: cần tránh lặp lại nguy cơ đổ vỡ ngân hàng
Các đại biểu Quốc hội cho rằng ngành ngân hàng vẫn phải tiếp tục xử lý nợ xấu, và rút ra nhiều bài học quản trị để tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống mà đất nước đã từng đối mặt hồi đầu nhiệm kỳ Quốc hội. Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng ngành ngân hàng đã bước vào giai đoạn “tạm ổn” với nhiều điểm nổi bật sau những rủi ro nhìn thấy hồi đầu nhiệm kỳ khóa 13. Ông Lịch nói: “Đầu nhiệm kỳ, hệ thống ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ, mất thanh khoản. Lãi suất cho vay cao đến trên 20%/năm và nợ xấu tăng mạnh. Những vấn đề như vậy đã tạo tâm lý lo lắng về tương lai của toàn hệ thống”. Tuy nhiên, theo ông Lịch, đến nay những khó khăn của ngành ngân hàng đã được giải quyết ổn thỏa. Ông cảnh báo, còn hai việc lớn, một là cần phải đổi mới về mặt quản trị ngân hàng để không tái phát lại tình huống có những ngân hàng đối diện nguy cơ đổ vỡ. Hai là, nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang quản lý cần phải tiếp tục giải quyết căn cơ hơn. Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, bổ sung thêm rằng ngành ngân hàng được đánh giá thực hiện hiệu quả nhất trong việc cơ cấu lại ngành, bên cạnh tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Vinh, những thành tựu nổi bật là ngành ngân hàng đã giảm được 17 tổ chức tín dụng, đưa nợ xấu xuống mức dưới 3%. Cùng với đó lãi suất cũng đã giảm mạnh, chỉ bằng 40% lãi suất thời điểm năm 2011; dự trữ ngoại hối tăng cao nhất từ trước tới nay. “Trong bối cảnh không dùng ngân sách để tái cơ cấu mà NHNN không để xảy ra đổ vỡ hệ thống ngân hàng là một thành công”, ông Vinh nói. Ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy Ban kinh tế Quốc hội, nhận xét thêm: “Ngành ngân hàng nhiệm kỳ vừa qua đã làm tốt nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, góp phần trong việc tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu, đạt được kết quả đáng trân trọng”. Ông Ngân cho rằng với mục tiêu chung đặt ra từ đầu nhiệm kỳ là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế xã hội, tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý thì đến nay đã đạt được những kết quả. Ông cho rằng, thời gian tới hệ thống ngân hàng cần được tiếp tục minh bạch hơn, kéo mặt bằng lãi suất xuống thấp, giữ lãi suất ở mức ổn định để doanh nghiệp vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội cho biết, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, năm 2015 chỉ bằng khoảng 50% so với cuối năm 2011. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; khắc phục được cơ bản tình trạng sử dụng đô-la, vàng trong giao dịch thanh toán, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Đến cuối năm 2015, nợ xấu còn 2,55%, đã giảm được 20 tổ chức tín dụng. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng điệu: tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, đã có bước chuyển biến, cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, nợ xấu ngân hàng giảm dần, đã sáp nhập một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hoạt động yếu kém. Tuy nhiên, báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu ký cho rằng, xuất hiện một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn gặp khó khăn phải thay đổi chủ sở hữu, người quản lý từ cơ quan quản lý nhà nước. Một số ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa mang lại hiệu quả. Nhiều ý kiến nhận định dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn thì việc giảm nợ xấu khó bền vững, lãi suất cho vay còn cao so với diễn biến lạm phát. (trích thesaigontimes) |