Quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội
Quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội
Ngân hàng Chính sách xã hội là đơn vị hạch toán tập trung toàn hệ thống, chịu trách nhiệm về các hoạt động trước pháp luật; thực hiện bảo toàn và phát triển vốn; bù đắp chi phí và rủi ro hoạt động. Ngân hàng Chính sách xã hội không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, có tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.
Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp khi thành lập và được bổ sung trong quá trình hoạt động. Ngân hàng Chính sách xã hội được bổ sung vốn điều lệ hàng năm tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao.
Các quỹ được hình thành trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ dự phòng rủi ro tín dụng, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng viên chức quản lý.
Vốn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) để cho vay xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và thực hiện chính sách xã hội khác theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Đối với vốn huy động, Thông tư nêu rõ, hình thức huy động vốn gồm: Huy động tiền gửi có trả lãi trong phạm vi kế hoạch hàng năm được duyệt; tiền gửi tự nguyện không lấy lãi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tiết kiệm của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; vốn ODA được Chính phủ giao; phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật; nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; vay vốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Việc huy động các nguồn vốn với lãi suất thị trường để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách phải đảm bảo nguyên tắc chỉ huy động khi đã sử dụng tối đa các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc huy động với lãi suất thấp.
Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vốn và tài sản hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán, thống kê hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình hoạt động, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân đối với các trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản.
Ngân hàng Chính sách xã hội được sử dụng vốn hoạt động để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật đảm bảo an toàn và phát triển vốn.
Việc đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tuân thủ theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và theo kế hoạch được Hội đồng quản trị thông qua, đồng thời phải luôn đảm bảo tổng giá trị còn lại của toàn bộ tài sản cố định (nguyên giá tài sản cố định trừ khấu hao) tại Ngân hàng Chính sách xã hội không vượt quá 25% vốn điều lệ thực có của Ngân hàng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2016.
(trích baochinhphu)