Đề nghị tăng thời gian gia hạn nộp thuế
Dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường đang được lấy ý kiến góp ý.
Dự thảo này đề xuất gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất 5 tháng cho những DN, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19. Dự kiến Nghị định này sẽ được ban hành ngay trong tháng 3, tuy nhiên theo phản ảnh của các DN, thời gian gia hạn 5 tháng là quá ngắn.
5 tháng quá ngắn
Giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất tại Nghị định này nhằm để các DN, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2020. Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ tại trụ sở của Chính phủ hôm 12/03/2020, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân đã bày tỏ niềm vui khi Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Đây chính là sự chia sẻ của Chính phủ với các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng nhiều DN cho rằng 5 tháng là thời gian rất ngắn.
“Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ và Bộ Tài chính có phương án giãn hoãn nộp thuế. Đây là một phần giúp đỡ DN. Nộp thuế chậm lại 5 tháng là tốt, nhưng chúng tôi mong thuế giá trị gia tăng phải nộp từ tháng 2 đến tháng 6 nên được gia hạn nộp từ 9 tháng đến 1 năm. Tiền thuê đất cũng nên gia hạn nộp 12 tháng”, bà Nguyễn Thị Nga -Chủ tịch Tập đoàn BRG đề nghị. Bên cạnh đó là giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng và hoãn nộp các loại thuế thu nhập cá nhân. Chủ tịch BRG cũng đề nghị có cơ chế phê duyệt đặc biệt với các hồ sơ thuê đất cho các dự án du lịch vì trong thời kỳ này các dự án vẫn phải đạt tiến độ để đón đầu du lịch trở lại khi dịch qua đi.
Cũng mong thời gian gia hạn nộp thuế được dài hơn, bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó Tổng giám đốc Vietjet kiến nghị: ít nhất là 6 tháng. Bà cho biết phí sân bay rất lớn, chi phí nhiên liệu bay chiếm tới 30%-40% trong tổng chi phí của các hãng hàng không. Giá xăng dầu giảm, nhưng thuế bảo vệ môi trường vẫn là 3.000 đồng/lít xăng (tương đương 22% giá xăng), nên DN vẫn phải mất một khoản chi phí lớn. Vì vậy đề nghị Chính phủ miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường cho nhiên liệu bay; đồng thời miễn giảm từ 50% tới 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, lệ phí sân bay, giãn thời gian nộp lệ phí. “Thái Lan, Nhật Bản và Singapore đều đã giảm, tôi mong Chính phủ cũng giảm phí để hỗ trợ DN”, bà Yến Phương phát biểu.
Bà Hương Trần Kiều Dung – Tổng giám đốc FLC cũng cho biết, giá vé máy bay đang giảm sâu để duy trì thị trường trong khi chi phí lệ phí dịch vụ sân bay rất lớn. Vì vậy mong Chính phủ có chỉ đạo các dịch vụ mặt đất giảm giá, hoãn, giãn tiến độ thanh toán và đề nghị giảm giá xăng dầu. Tổng giám đốc FLC cũng đề nghị khi sửa Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, thì nên tính toán lại quy định cho DN nội địa và nên quy định thời gian hồi tố chỉ nên tính tới năm 2017.
Chính sách không dàn đều
Trong khi theo ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), hiện ngân hàng đang có 1.000 khách hàng với dư nợ khoảng 10 nghìn tỷ đồng đến hạn không trả được. DN đang bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp và nhiều DN bị ảnh hưởng liên đới. Nhiều DN phải cho nghỉ việc luân phiên, có nơi 30%, có nơi 50% người lao động phải nghỉ việc luân phiên nhưng DN vẫn phải trả lương, thấp nhất cũng phải bảo đảm lương tối thiểu. Riêng DOJI cũng cho một nửa lao động nghỉ. Từ thực tế đó, ông đề nghị kéo dài thời gian nộp thuế GTGT cho tất cả các DN; đồng thời cho giảm đóng bảo hiểm xã hội và quỹ thất nghiệp. “Gia hạn rộng thì khó nhưng những DN bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nên được gia hạn thuế thu nhập DN”, ông đề nghị.
Ở góc độ khác, Chủ tịch HĐQT của Thaco Trần Bá Dương lo ngại có thể có DN sẽ lợi dụng chính sách hỗ trợ thuế. Hơn nữa không phải DN nào phải ngành nghề nào, cũng cần hỗ trợ về thuế (ví dụ như bất động sản). Cùng quan điểm như vậy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Khắc Hiệp cũng cho rằng: “Gói kích cầu hỗ trợ cần chọn địa chỉ có hiệu quả kinh tế tốt, bảo đảm an sinh xã hội. Không nhất thiết tất cả các lĩnh vực được kích cầu, giảm thuế”. Ông Hiệp cũng kiến nghị về việc sửa Nghị định 20 với mong muốn thời gian hồi tố chỉ là 2 năm.
Đóng góp ý kiến để gói hỗ trợ gia hạn nộp thuế bị lợi dụng, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel đề nghị cần phân loại phân biệt DN bị ảnh hưởng để có chính sách chứ không nên rải đều.
Tiếp nhận ý kiến của các tập đoàn kinh tế tư nhân, Thủ tướng nói: “Chúng ta sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ DN một cách toàn diện giảm chi phí cho DN, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Nhưng sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều”. Đồng thời là chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu. Các DN cũng cần có các kịch bản để bảo đảm hoạt động DN liên tục, không bị gián đoạn vì bất cứ tình huống nào.
Chiều 11/3, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề giải đáp về dự thảo Nghị định về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 (nộp thuế trong tháng 4 đến tháng 7) thì số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của các tháng đó giảm khoảng 22.600 tỷ đồng. Trong đó, số thuế GTGT giãn của DN theo ngành kinh tế: 11.700 tỷ đồng; số thuế GTGT giãn của DN nhỏ và siêu nhỏ: 10.900 tỷ đồng). Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do DN phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày kết thúc năm. Đối với hộ kinh doanh, dự kiến được gia hạn là khoảng 3.000 tỷ đồng nhưng số thu NSNN của năm 2020 không giảm do hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 15/12/2020. Dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do DN hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/10/2020. Như vậy đối tượng và thời gian gia hạn như dự thảo thì số thuế và tiền thuê đất dự kiến gia hạn trên 30 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện còn khá nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo Nghị định này như thời gian hỗ trợ tương đối cứng, cần làm rõ về mức độ hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ… Đại diện Bộ Tài chính cho biết, “Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo nghị định, xin ý kiến thẩm định để sớm trình Chính phủ ký ban hành. Để hỗ trợ kịp thời cho DN, dự kiến Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bám sát diễn biến của dịch bệnh cũng như ảnh hưởng cũng dịch bệnh đối với nền kinh tế để có những đề xuất chính sách phù hợp, hỗ trợ cộng đồng DN nhiều hơn”. |
Hà Linh Giang – Thời báo Kinh tế ngân hàng