Vì sao tín dụng đen vẫn hoành hành?

Vì sao tín dụng đen vẫn hoành hành?

Vì sao tín dụng đen vẫn hoành hành?

Cho vay nóng núp bóng công ty tài chính trên mạng xã hội.

                           Cho vay nóng núp bóng công ty tài chính trên mạng xã hội.

Tặng ngay 0% lãi suất, phí tư vấn, phí dịch vụ cho lần vay đầu tiên; vay ngay 3 triệu đồng chỉ mất 3 phút đăng ký, tư vấn giao hợp đồng tận nơi… – đó là những câu chào mời rất hấp dẫn của các loại hình cầm đồ hoặc cho vay lãi suất cao rao trên mạng, khiến nhiều người thu nhập thấp mắc bẫy.

Cầm đồ “chuyên nghiệp” lên facebook

Thời gian gần đây, những người sử dụng facebook thường xuyên thấy những quảng cáo như “Doctor Đồng – cần tiền có ngay” hay dịch vụ cầm đồ trực tuyến có tên gọi Cty tài chính camdonhanh…, với những lời quảng cáo rất hấp dẫn xoay quanh việc vay tiêu dùng mà không cần chứng minh thu nhập, lãi suất thấp, vay 2 triệu đồng nhưng được phục vụ tận nơi, hay ngồi tại nhà vẫn cầm đồ để vay tiền lãi suất thấp.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, các trang web này do những công ty có chức năng đăng ký cho công ty tư vấn tài chính sở hữu. Đơn cử, trang web Doctor Đồng là của Công ty TNHH MTV Tư vấn tài chính L., có địa chỉ tại tầng trệt tòa nhà Rosana, số 60 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM, giấy chứng nhận ĐKDN số 1201503076 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp ngày 21.11.2015.

Theo hướng dẫn của nhân viên giao dịch trực tuyến công ty này, sau khi xác nhận thông tin đăng ký, nhân viên sẽ liên hệ với khách hàng để bàn giao hợp đồng. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, nếu hợp đồng được duyệt, khách hàng có thể nhận được tiền vay tại 4.000 điểm giao dịch của MoMo, một dịch vụ thanh toán điện tử. Khách hàng sẽ được miễn lãi cho khoản vay đầu tiên. Lãi suất cho vay được Công ty L. niêm yết trên website chỉ có 10,95%/năm. Còn phí dịch vụ, phí tư vấn (nếu có) được quy định theo hợp đồng. Tuy nhiên, qua một số trường hợp khiếu nại của khách hàng thì lãi suất vay phải trả là 1%/ngày.

Anh Toàn – nhân viên một công ty bảo vệ ở quận 3 – cho biết, anh cần vay tiền và tìm đến nhân viên của Doctor Dong. Anh được nhân viên này hướng dẫn sẽ cho vay đến 3 triệu đồng trong vòng 15 ngày, hưởng ngay ưu đãi đặc biệt lãi suất 0% và phí 0 đồng, nhận tiền ngay sau 30 phút phê duyệt, chỉ cần cung cấp đầy đủ các giấy tờ yêu cầu. Mặc dù nghe hướng dẫn thì đơn giản như vậy nhưng khi vay rồi anh mới biết mình bị lừa.

Cụ thể, anh có vay số tiền 3 triệu đồng và được thông báo nếu trả lại sau đúng 7 ngày thì sẽ không bị lãi. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, anh chỉ nhận được số tiền mặt là 2,5 triệu đồng. Nhân viên công ty giải thích, số tiền 500 nghìn đồng kia được dùng để chi trả phí hồ sơ cũng như là để gia hạn cho việc vay 7 ngày tới. Như vậy, chưa gì anh đã phải trả lãi vay khống cho số tiền anh chưa hề sử dụng đồng nào.

Không chỉ vậy, các trang web này còn cho đăng những mẩu tin tuyển nhân viên rầm rộ với nhiều chính sách hoa hồng, thậm chí trang web camdonhanh còn cho đăng tuyển cả người đại diện thương hiệu?!

Cho vay “nóng” núp bóng mua hàng trả góp?

Các trung tâm mua bán điện thoại, các trung tâm điện máy đang bung ra các chương trình mua hàng trả góp được xem là hình thức ưu đãi đối với khách hàng. Tuy nhiên, loại hình này đang bị biến tướng và trở thành chiêu để hợp thức hóa các khoản vay nóng.

Chị Hoa (ngụ ở quận 9, TPHCM) cho biết, chị cần số tiền 10 triệu đồng để lo việc nhà nhưng khi liên hệ với nhân viên trang web camdonhanh để hỏi về việc cầm chiếc xe gắn máy thì được nhân viên này trả lời là xe cũ nên không cầm. Tuy nhiên, nhân viên công ty lại hướng dẫn chị mang giấy tờ như hộ khẩu thường trú, hóa đơn tiền điện, CMND và bảng xác nhận lương từ 3 triệu đồng trở lên đến một cửa hàng mua bán điện thoại hay đồ điện tử có trả góp theo danh sách nhân viên này cung cấp và chọn mua một sản phẩm.

Chị đến đó mua hàng trả góp, làm hồ sơ theo những gì công ty tài chính yêu cầu, khi hồ sơ được “duyệt” thì bên dịch vụ này sẽ mang tiền đến trả trước cho chị Hoa 20% theo yêu cầu của bên bán hàng. Nghĩa là, chị mua một sản phẩm điện thoại trị giá 10 triệu đồng, bên dịch vụ sẽ giúp chị Hoa trả trước số tiền 2 triệu đồng. Khi mua được điện thoại rồi, bên dịch vụ sẽ thâu lại chiếc điện thoại đó với giá thấp hơn từ 80-85%. Như vậy, trừ thêm số tiền mà bên dịch vụ cho chị Hoa ứng trước, số tiền chị thực nhận sẽ là 6 – 6,5 triệu đồng. Giao dịch giữa chị Hoa và cửa hàng bán điện thoại sẽ chấm dứt sau khi nhận được tiền. Còn lại, việc trả nợ gốc và lãi vẫn do chị thực hiện với công ty tài chính cho vay trả góp.

Vì sao tín dụng đen vẫn hoành hànhGánh nặng đặt lên vai công ty tài chính

Tín dụng đen vẫn tồn tại, ngang nhiên hoạt động. Sở dĩ có tình trạng này là do pháp luật không nghiêm, chế tài còn quá yếu. Theo quan điểm của một số chuyên gia tài chính, trước mắt, để có thể ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh “ung thư” này, sự ra đời của các công ty tài chính dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước là điều tất yếu và cần thiết cho thị trường.

Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất hiện nay của các công ty tài chính là lãi suất quá cao, cụ thể, mức lãi suất cho vay phổ biến từ 39 – 49%/năm, cao gấp nhiều lần so với NHTM làm nhiều người vay cũng cảm thấy nghẹt thở. Bên cạnh hình thức tín dụng đen đang sống khỏe cũng như ngày càng bành trướng, người tiêu dùng Việt Nam có lúc vẫn nhầm tưởng việc cho vay tiêu dùng lãi suất cao cũng là tín dụng đen. Thậm chí, ngay cả những người làm chức năng quản lý cũng thừa nhận, lãi suất nếu tính theo dư nợ gốc thì có nhiều ưu đãi nhưng khi tính toán kỹ thì tổng lãi phải trả cao hơn rất nhiều lãi suất trên dư nợ giảm dần.

Và nếu xét về nợ xấu thì nợ xấu phân khúc cho vay tiêu dùng chỉ khoảng 5% nhưng lãi suất lên tới gần 50%/năm là khá cao. Do đó, theo các chuyên gia tài chính, cần sớm có những biện pháp mạnh để có thể biến “đen thành trắng” – một cách nói khác của việc sử dụng các công ty tài chính để đẩy lùi hoạt động tín dụng đen. Bởi chỉ có các công ty tài chính mới có loại hình cho vay tài chính hoạt động như một tổ chức tín dụng, đăng ký công khai, có sự quản lý từ các cơ quan quản lý nhà nước và thực hiện theo các quy định của pháp luật. Do đó, cần quy định về cho vay tiêu dùng đảm bảo sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn có luồng quan điểm cho rằng, khó có thể hy vọng các công ty tài chính đẩy lùi tín dụng đen bởi hình thức cho vay tín dụng đen tồn tại là tất yếu, có cầu ắt có cung. Khi người ta cần vay tiền trong thời gian ngắn thì có tín dụng đen đáp ứng và tất nhiên nhu cầu đặc biệt thì đi kèm với nó là điều kiện, ở đây chính là lãi suất cao. Câu hỏi đặt ra là liệu công ty tài chính có sản phẩm gì để xử lý câu chuyện cho vay ngắn hạn với mức lãi suất thấp hơn?

(trích laodong.com)

Share this post