Không nên áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng?

Không nên áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng?

Dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên áp trần lãi suất đối với cho vay tiêu dùng.

Không cần chờ trần lãi suất, việc cho phép công ty tài chính cạnh tranh tự do đã giúp hàng loạt sản phẩm cho vay lãi suất 0% ra đời

Không cần chờ trần lãi suất, việc cho phép công ty tài chính cạnh tranh tự do đã giúp hàng loạt sản phẩm cho vay lãi suất 0% ra đời

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, tại Việt Nam hiện nay, các sản phẩm vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng khá đa dạng, song thị phần mới chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong khi ở các nước khác, con số này là 15 – 25%.

Tiềm năng tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam rất lớn. Cho vay tiêu dùng đang bùng nổ mạnh mẽ vài năm trở lại đây, với sự xuất hiện của hàng loạt công ty tài chính (CTTC). Theo báo cáo của Công ty StoxPlus, tổng quy mô của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đến nay đạt khoảng 10,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18%/năm. Một số công ty tài chính chiếm thị phần lớn trong nước là Home Credit, FE Credit, HD Saison, Prudential Finance…

Tuy nhiên, có một vấn đề là, lãi suất cho vay tiêu dùng của CTTC khá cao, khiến nhiều người cho rằng, nên áp trần đối với lãi suất cho vay này. Thế nhưng, theo TS. Cấn Văn Lực, cho vay tiêu dùng là hoạt động vay mượn khá đặc thù, dựa trên tín chấp là chủ yếu và các thủ tục giấy tờ khá đơn giản. Vì vậy, độ rủi ro của các khoản vay sẽ cao hơn so với các hình thức tín dụng của ngân hàng. Để bù đắp rủi ro, lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ cao hơn so với mặt bằng lãi suất chung. Do đó, để quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng, không nên áp trần lãi suất, mà phải dựa trên thỏa thuận giữa khách hàng và bên cho vay. Nếu khống chế trần lãi suất sẽ gây rủi ro, làm méo mó thị trường.

Bài học thực tế ở Anh đã cho thấy điều đó, bởi có thời gian Chính phủ nước này đưa ra mức lãi suất “trần” để khống chế lãi suất trong cho vay tiêu dùng. Nhưng chính quy định này khiến CTTC chỉ tìm những khách hàng tốt để cho vay với mức lãi suất trần, trong khi đối tượng rủi ro cao hơn thì không thể vay được từ cả ngân hàng lẫn CTTC. Như vậy, nhu cầu vay của một bộ phận lớn người dân không được đáp ứng, dẫn đến tín dụng đen gia tăng để đáp ứng nhu cầu này.

Ở Việt Nam, dù có tín dụng “đen”, nhưng không quá nghiêm trọng như ở Anh. Tuy nhiên, theo ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các CTTC hoạt động hiệu quả để cung cấp các khoản vay có lợi cho người tiêu dùng. Mặt khác, khi mở rộng thị trường và có nhiều đối thủ cạnh tranh sẽ đem lại được lợi ích tốt hơn cho người tiêu dùng.

Ủng hộ quan điểm khuyến khích cho vay tiêu dùng khi xu hướng này đang ngày càng phát triển, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích phát triển nhiều hơn nữa các CTTC tiêu dùng, có như vậy mới có thể tạo nên sự cạnh tranh. Từ đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn khi có nhu cầu vay tiêu dùng, thay vì phải tìm đến tín dụng đen.

Hiện Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến. Trong đó, vấn đề trần lãi suất cho vay và tội danh cho vay nặng lãi vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Phía cơ quan quản lý muốn đưa ra một chốt chặn để ngăn cho vay nặng lãi, trong khi nhiều chuyên gia cho rằng, trần lãi suất hiện nay vừa thiếu thực tế, vừa phi thị trường, khiến nhiều người dân khó tiếp cận vốn hơn.

Với đặc thù thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp, lãi suất cao, các chuyên gia tài chính nhận định, điểm mấu chốt trong hoạt động cho vay tiêu dùng là phải công khai, minh bạch thông tin từ cả bên vay và cho vay. Để quản lý hoạt động này, theo TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ và NHNN cần tạo ra hành lang pháp lý theo hướng khuyến khích các CTTC tập trung vào hoạt động cho vay tiêu dùng, với các món vay nhỏ, phục vụ cho đời sống xã hội.

(baodautu.vn)

Share this post