Hiệu quả từ Quỹ tín dụng nhân dân

Hiệu quả từ Quỹ tín dụng nhân dân

Hiệu quả từ Quỹ tín dụng nhân dân

 Đối với người dân vùng nông thôn, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ luôn luôn là vấn đề bức thiết. Việc ra đời của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) phần nào đáp ứng nhu cầu vốn của nông dân khi các dịch vụ ngân hàng chưa đến được khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ TDND Hậu Thạnh Đông, tỉnh Tân Thạnh

Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ TDND Hậu Thạnh Đông, tỉnh Tân Thạnh

Theo số liệu thống kê từ Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) tỉnh, toàn tỉnh hiện có 19 QTDND với tổng số 50.293 thành viên. Tổng vốn hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân là 890.032 triệu đồng, trong đó, vốn điều lệ là 35.599 triệu đồng. Bình quân, mỗi Qũy tín dụng nhân dân hoạt động trên phạm vi địa bàn 4 hoặc 6 xã, chủ yếu là tương trợ vốn, không chạy theo mục tiêu lợi nhuận đơn thuần. Tuy vậy, Qũy tín dụng nhân dân vẫn cần có nguồn thu nhập để bảo đảm chi phí hoạt động, cũng như có khả năng tích lũy để tồn tại, phát triển.

Trong nhiều năm qua, với mục tiêu hỗ trợ, các Qũy tín dụng nhân dân tạo điều kiện cho các thành viên đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đồng thời, thực hiện điều chỉnh lãi suất tiền vay phù hợp với lãi suất thị trường. Nhiều khách hàng vay vốn sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao, trả nợ quỹ sớm trước thời hạn.

Ông Nguyễn Văn Út, ngụ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2013, tôi đã “liều” xin vay vốn từ Qũy TDND Gò Đen để mở cơ sở sản xuất gỗ nhỏ tại nhà. Sau 1 năm, tôi trả được tiền vay cho Qũy tín dụng nhân dân và có thêm tiền để đầu tư mở rộng xưởng sản xuất. Hiện nay, xưởng gỗ hoạt động ổn định và giúp 10 thanh niên địa phương có việc làm ổn định với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Qũy tín dụng nhân dân Gò Đen-Nguyễn Văn Đông cho biết: “Qũy tín dụng nhân dân Gò Đen được thành lập vào năm 1995 gồm 22 thành viên, vốn góp ban đầu là 100 triệu đồng. Đến nay, tổng vốn góp đã tăng lên hơn 2 tỉ đồng với 47 thành viên tham gia. Địa bàn hoạt động của QTDND Gò Đen gồm 6 xã: Phước Lợi, Long Hiệp, Mỹ Yên (huyện Bến Lức), Phước Lý (huyện Cần Giuộc) và Long Khê, Phước Vân (huyện Cần Đước). Mỗi năm, Qũy tín dụng nhân dân giúp cho khoảng 350-500 lượt hộ vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề mới, phát triển cây, con giống vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống người dân, giúp địa phương thực hiện tốt công tác xóa nghèo và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Cần nhân rộng mô hình

Hiện nay, mô hình hoạt động, cách thức tổ chức cũng như hiệu quả của các Quỹ tín dụng nhân dân cùng với các tổ chức tín dụng khác góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo. Việc giới hạn địa bàn hoạt động của hệ thống Qũy tín dụng nhân dân là một thách thức đối với hoạt động của mô hình này. Thêm nữa, do Qũy tín dụng nhân dân hoạt động theo hình thức tự chủ nên không được hưởng những ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước; tham gia bảo hiểm tiền gửi đầu vào, đầu ra chênh lệch thấp nên lợi nhuận chưa nhiều.

Bà Nguyễn Thị Kim Em, ngụ khu B, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa cho biết: “Những năm gần đây, do nhu cầu chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, tôi có vay vốn tại QTDND Đức Lập. Tôi thấy thủ tục vay vốn ở đây nhanh gọn, thuận tiện. Mức vốn mà Quỹ tín dụng nhân dân cho khách hàng vay dao động từ 10 đến 300 triệu đồng, thời hạn vay phổ biến là 12 tháng, lãi suất 0,65%/tháng. Vay vốn ở ngân hàng thì thủ tục rườm rà hơn, tôi nghĩ những hộ cần số vốn ít để sản xuất, kinh doanh thì vay ở các Qũy tín dụng nhân dân là thuận tiện nhất”.

Chủ tịch LMHTX tỉnh – Công Hoàng Bạch cho biết: “Để mô hình Qũy tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh được nhân rộng và hoạt động hiệu quả cần thiết phải đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời tăng quyền lợi, biên chế nhân sự làm việc tại Qũy tín dụng nhân dân. Các cơ quan chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi thành lập quỹ, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với hoạt động của quỹ. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo sát sao những chủ trương, thay đổi chế độ dịch vụ khách hàng cho quỹ; quan tâm nhiều hơn nữa đến mô hình tín dụng này nhằm tạo thuận lợi để các Qũy tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững trong thời gian tới. Bản thân mỗi Qũy tín dụng nhân dân phải tích cực trong mối liên kết hệ thống với QTDND Trung ương”

( trích nguồn từ báo tỉnh Long An)

 

Share this post