Gỡ khó nhưng vẫn phải bảo toàn vốn

Gỡ khó nhưng vẫn phải bảo toàn vốn

Mặc dù các ngân hàng rất chủ động, nỗ lực, nguồn vốn luôn sẵn sàng trong cho vay hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng bản thân các ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên không thể cho vay vô điều kiện, để dẫn tới hệ lụy nợ xấu trong tương lai.

Nguồn vốn luôn sẵn sàng

Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các TCTD để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, các ngân hàng thương mại đã bắt tay triển khai thực hiện.

Chủ động đồng hành cùng các chủ trương của NHNN về hỗ trợ doanh nghiệp là những gì phóng viên đã ghi nhận từ các ngân hàng thương mại.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Techcombank cho biết: Ngay khi bắt đầu có dịch Covid-19, ngân hàng đã lập tức lên kế hoạch ứng phó, và tiến hành phân tích kỹ mức độ tác động và ảnh hưởng đến tất cả các nhóm khách hàng khác nhau của Techcombank. Chúng tôi tiếp xúc trực tiếp các khách hàng để hiểu được nhu cầu và khó khăn của họ, hỗ trợ các khách hàng trong giai đoạn này.

Triển khai thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/2020 hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho tất cả các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã công bố gói hỗ trợ toàn diện lên đến 30.000 tỷ đồng, bao gồm miễn giảm lãi, điều chỉnh giảm lãi suất, áp dụng lãi suất hỗ trợ, giãn nợ, gia hạn nợ với thời hạn phù hợp.

Hay như Vietcombank đã thực hiện đồng bộ việc giảm/ưu đãi lãi suất cho vay và giảm phí dịch vụ cho khách hàng. Cụ thể, tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5% – 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 120.000 tỷ đồng và có thể mở rộng tới 150.000 tỷ đồng.

Từ ngày 23/1/2020 đến nay, Vietcombank đã thực hiện giải ngân cho vay mới hơn 41.200 tỷ đồng góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền. Số tiền Vietcombank giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay là trên 8.200 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.

Không chỉ Techcombank, Vietcombank mà đến nay hầu hết các ngân hàng đã công bố giải pháp và nguồn vốn hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Số liệu của NHNN cho thấy, mặc dù tín dụng không tăng bằng cùng kỳ các năm nhưng đến ngày 31/3/2020, dư nợ tín dụng đạt 8.301.988 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019. Đến nay, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng; đã thực hiện miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng.

Vẫn phải tuân thủ các quy định về cho vay

Tuy nhiên, trên thị trường hiện vẫn có những doanh nghiệp kêu chưa tiếp cận được các chương trình cho vay giảm lãi suất của ngân hàng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, các ngân hàng dù cung cấp gói tín dụng hỗ trợ cũng phải đánh giá và thẩm định khả năng thu hồi nợ. Ngân hàng không thể cho các doanh nghiệp vay vô điều kiện bởi đó là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại bỏ ra. Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ.

Chia sẻ thêm nội dung này, PGS.TS Đào Văn Hùng – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết: Cho vay ưu đãi của đợt này khác hẳn với cho vay thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008 – 2009. Thời đó khi cho vay ưu đãi thì ngân sách sẽ bù đắp vào chênh lệch lãi suất. Còn lần này, các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn thu nhập của mình để giảm lãi suất, ưu đãi, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Do vậy khi ngân hàng xem xét khoản cho vay này, họ vẫn sẽ tuân thủ theo quy định, quy chế trong thực hiện an toàn các khoản vay.

Để mở hơn cơ hội tiếp cận nguồn vốn, gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một số nhà băng đã đưa ra nhiều giải pháp “mở” hơn. Đại diện Techcombank cho biết, với những doanh nghiệp chưa giảm tới 50% doanh thu nhưng dự báo giảm cũng được ngân hàng giảm 2% lãi suất cho vay. Thậm chí, lãnh đạo Ngân hàng Bản Việt còn cho rằng, nhiều doanh nghiệp không còn ghi nhận doanh thu nữa, ngân hàng phải dựa vào bản xác minh của địa phương, ví dụ như văn bản thông báo ngừng hoạt động kinh doanh để hỗ trợ.

Cho rằng ngân hàng và doanh nghiệp cùng phải nỗ lực ở thời điểm này, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: Các ngân hàng thương mại đã công bố mức giảm lãi suất từ 0,5% – 2% nên doanh nghiệp có thể chứng minh mình thuộc ưu đãi lãi suất nào; hay việc ngân hàng cho giãn nợ thì doanh nghiệp có thể viết đơn xin giãn… Những chính sách này có thể áp dụng được ngay.

Nhưng với các khoản cho vay, ông Thân cũng nhắn nhủ cộng đồng doanh nghiệp không nên thấy lãi suất thấp mà cố vay dù phương án kinh doanh không hiệu quả, dẫn tới nợ xấu thì rất nguy hiểm.

Đức Nghiêm Thời báo ngân hàng

Share this post