Tài chính vi mô: Muốn rộng đường, cần hoàn thiện môi trường pháp lý
Tài chính vi mô: Muốn rộng đường, cần hoàn thiện môi trường pháp lý
Tài chính vi mô không chỉ có lợi ích về mặt kinh tế mà còn có tác động về mặt xã hội, có ý nghĩa to lớn với đời sống của người dân có hoàn cảnh khó khăn không tiếp cận được nguồn vốn NH.
Chiều ngày 4/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Trung tâm Tư vấn nguồn lực Tài chính vi mô DNNVV (tiền thân là Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam – VMFWG) đồng tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi và phát triển bền vững tài chính vi mô tại Việt Nam” và “Lễ công nhận Cá nhân và Tổ chức Tài chính vi mô tiêu biểu Citi – Việt Nam 2015” (CMA 2015).
Gần 3 thập kỷ qua, hoạt động TCVM không ngừng đổi mới, phát triển cả về quy mô, sự đa dạng, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo của đất nước. Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm xuống 7,6% -7,8% vào năm 2013 và đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn 5,8 – 6%. An sinh xã hội được cải thiện, thu nhập hộ gia đình được nâng cao, tạo dựng tài sản, cải thiện sức khoẻ, giáo dục, nâng cao vai trò, vị thế của người thu nhập thấp trong gia đình và xã hội mặc dù nguồn vốn cho vay Tài chính vi mô còn rất hạn chế.Với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức tài chính vi mô (TCVM) an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các DN siêu nhỏ, DN nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống Tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho rằng, hoạt động TCVM có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ vốn để thực hiện sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân gặp khó khăn, những cá nhân, hộ gia đình nghèo, có thu nhập thấp, đặc biệt là đối tượng phụ nữ ở những vùng sâu vùng xa – nơi các dịch vụ tài chính NH chưa vươn tới được.
Thông qua hoạt động Tài chính vi mô, cho vay nặng lãi từng bước được hạn chế, đời sống người nghèo, thu nhập thấp được cải thiện đáng kể; các DN siêu nhỏ được vay thêm vốn sản xuất; khách hàng vay vốn tiếp cận kiến thức về kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình, hình thành thói quen tiết kiệm từ những nguồn thu nhập nhỏ.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, chú trọng tạo điều kiện phát triển ngành TCVM tại Việt Nam thông qua việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động Tài chính vi mô với nhiều loại hình hoạt động như tổ chức TCVM, các chương trình, dự án TCVM… tạo điều kiện thu hút nguồn vốn từ các tổ chức cá nhân, tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước, các nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức nước ngoài… Để thực hiện thành công công cuộc xoá đói giảm nghèo tại Việt Nam, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, tạo điều kiện cả về nguồn lực tài chính cũng như thể chế.
Phó Thống đốc đề nghị các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước tiếp tục dành cho ngành Tài chính vi mô những quan tâm hơn nữa, thực hiện thành công chiến lược phát triển ngành TCVM đến 2020 theo Quyết định 2195 của Thủ tướng Chính phủ.
Thay mặt NHNN, Phó Thống đốc dành sự cảm ơn đặc biệt với sự đóng góp tích cực của nhóm công tác Tài chính vi mô Việt Nam đối với ngành TCVM trong suốt thời gian qua, đề nghị nhóm công tác tiếp tục là đầu mối quan trọng phát triển ngành TCVM Việt Nam nói riêng cũng như ngành TCVM nói chung.
Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, hoạt động Tài chính vi mô bên cạnh cung cấp dịch vụ tài chính còn cung cấp dịch vụ phi tài chính trong đó hỗ trợ xây dựng cho người nghèo tiếp cận nguồn tài chính từ phía hoạt động vi mô để hiểu rõ hơn phương thức kinh doanh, sản xuất, tạo lập thương hiệu từ đó xoá nghèo và thoát nghèo một cách bền vững.
Theo ông Kiên, Tài chính vi mô không chỉ có lợi ích về mặt kinh tế mà còn có tác động về mặt xã hội, có ý nghĩa to lớn với đời sống của người dân có hoàn cảnh khó khăn không tiếp cận được nguồn vốn NH.
Hội thảo cũng đã cập nhật quy định pháp lý và định hướng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động Tài chính vi mô tại Việt Nam, đồng thời sơ kết việc thực hiện Quyết định số 2195 giai đoạn 2012-2014.
Việc thực hiện Đề án này của Thủ tướng Chính phủ đang gần hoàn thành giai đoạn (2011-2015) với một số kết quả đạt được nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc tạo hành lang pháp lý, khuyến khích phát triển Tài chính vi mô, thu hút nguồn vốn cho hoạt động TCVM cùng với kết hoạch tổng thể phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn vừa qua là tiền đề cơ bản và là cơ sở triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động TCVM.
Bên cạnh đó, sự chuyển biến về nhận thức đối với hoạt động Tài chính vi mô của các cơ quan quản lý nhà nước, các UBND tỉnh, thành phố, các tổ chức và người dân tạo cơ sở để hoạt động TCVM ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Một trong những giải pháp được Thủ tướng Chính phủ đề ra trong Quyết định 2195 là hoàn thiện môi trường pháp lý, chính sách đồng bộ, phù hợp với đặc thù hoạt động Tài chính vi mô.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc điều hành, đại diện nhóm công tác TCVM Việt Nam với đề tài “Chuyển đổi Tổ chức TCVM tại Việt Nam: Đánh giá tác động và đề xuất, kiến nghị” đã trình bày những phân tích và đánh giá dựa trên cơ sở kinh nghiệm của 3 tổ chức TCVM đã chuyển đổi thành công tại Việt Nam. Bà Mai cũng kiến nghị nên sớm có cơ chế để làm sao kết nối được nguồn vốn từ NHTM tới các tổ chức Tài chính vi mô, giúp cho tổ chức
Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường TCVM tại Campuchia của ông Ban Lim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHTW Campuchia. Những kinh nghiệm này hoàn toàn có ích cho việc thực hiện giải pháp bố trí nguồn vốn để hỗ trợ hoạt động TCVM.
Đại diện Ngân hàng United Oversea cũng đã có phần trình bày quan trọng tại Hội thảo thông qua việc giới thiệu Quỹ Tầm ảnh hưởng với khái niệm đầu tư ảnh hưởng: chủ động cấp vốn cho DN nhằm tạo ra những tác động xã hội và/hoặc môi trường tích cực song song với lợi nhuận tài chính.
( theo Thoibaonganhang)