Banknetvn góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
Ông Phạm Tiễn Dũng: Việc sáp nhập Smartlink vào Banknetvn nhằm xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất tại Việt Nam, với mục tiêu phát triển hạ tầng phục vụ thanh toán bán lẻ và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, giúp các ngân hàng tiết kiệm nguồn lực, chi phí đầu tư hạ tầng. Các giao dịch thanh toán, chuyển tiền của khách hàng sẽ thuận tiện và nhanh chóng hơn. Khách hàng sẽ có cơ hội hưởng nhiều tiện ích thanh toán hiện đại hơn.
Có thể nói, mọi hoạt động sáp nhập hai Công ty đến thời điểm này đã được tiến hành thuận lợi, đúng kế hoạch đã đề ra và đạt kết quả tốt. Thành công này được tạo nên từ các yếu tố chủ quan và khách quan sau:
Thứ nhất, trước, trong và sau sáp nhập, Banknetvn đều nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thống đốc và Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Vụ, Cục chức năng NHNN trong các hoạt động của Công ty. Banknetvn đã được NHNN tin tưởng giao nhiều trọng trách và nhiệm vụ phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Thứ hai, Ban lãnh đạo hai Công ty đều xác định rõ trọng trách và nhiệm vụ phải làm, cùng đồng lòng nhất trí triển khai các hoạt động sáp nhập trên tinh thần đoàn kết, trách nhiệm. Cán bộ nhân viên hai Công ty cũng đã phối hợp tốt trong quá hoạt động triển khai các nhiệm vụ của Công ty sau sáp nhập. Toàn thể Công ty luôn phấn đấu vượt qua các khó khăn, thách thức, đăt lợi ích của khách hàng lên trước, tạo điều kiện thuận lợi, hiệu quả nhất cho cộng đồng người sử dụng, qua đó góp phần nâng cao vị thế thanh toán của đất nước trong cộng đồng quốc tế.
Thứ ba, Banknetvn cũng nhận được sự ủng hộ của các cổ đông, các ngân hàng thương mại và tất cả các đối tác.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Banknetvn cũng gặp không ít những khó khăn như: Trước đây, hai Công ty có 02 hệ thống kỹ thuật đã triển khai rộng khắp trên toàn quốc, với nhiều dịch vụ đã được cung cấp nhưng trong quá trình hợp nhất phải bảo đảm tuyệt đối không ảnh hưởng đến khách hàng; hầu hết các nhiệm vụ đặt ra với Công ty sau sáp nhập đều là những dự án mới, có yêu cầu cao về kỹ thuật công nghệ cũng như mô hình nghiệp vụ, có tính quốc gia, cần sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ từ phía các ngân hàng, các bên liên quan cũng như cần có những cơ chế, chính sách mới, phù hợp. Nhiều dự án không chỉ mới đối với thị trường Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng mới bắt đầu triển khai trong vòng 1-2 năm gần đây, đơn cử như dịch vụ thanh toán online trên nhiều kênh trực tiếp đến khách hàng, dịch vụ ghi nợ có ủy quyền,.. tại các trung tâm thanh toán bù trừ. Ngay như việc chuyển đổi sang thẻ chip cũng là thách thức không nhỏ vì trên thực tế, các nước trong khu vực và thế giới đã triển khai thì có nước thành công nhưng cũng có nước chưa hoàn toàn thành công nên phải kéo dài thời gian chuyển đổi.
Phóng viên: Sự kiện sáp nhập được coi là dấu mốc quan trọng để triển khai thực hiện “Đề án xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất” ban hành kèm theo Quyết định số 1131/QĐ-NHNN ngày 30/5/2012 của Thống đốc NHNN. Xin Ông cho biết tình hình triển khai Đề án này và cùng với việc hoạt động theo mô hình mới đã tác động như thế nào tới việc cung cấp các dịch vụ của Công ty cho khách hàng cũng như kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm 2015 ?
Ông Phạm Tiến Dũng: Trước đây hai Công ty có 2 hệ thống chuyển mạch, sau sáp nhập chúng tôi đã thực hiện thành công việc hợp nhất một hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông với mạng lưới 16.600 ATM và gần 200.000 POS của 43 ngân hàng thương mại trên toàn quốc. Việc hợp nhất hệ thống ATM/POS đã được hoàn thành trong tháng 11/2015 và hoàn toàn không ảnh hưởng đến khách hàng như chúng tôi đã cam kết. Khách hàng và ngân hàng không cần thay đổi trong quá trình chuyển đổi, hợp nhất này.
Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục phát triển, mở rộng cung cấp cho khách hàng các dịch vụ thanh toán theo mô hình trực tuyến 24/7, thực hiện theo thời gian thực, thực hiện trên các kênh giao dịch điện tử của ngân hàng như Internet banking, Mobile Banking, SMS Banking, ATM/POS, tại quầy giao dịch…
Banknetvn cũng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức thẻ quốc tế, các tổ chức chuyển mạch, các đơn vị chấp nhân thẻ, phát hành thẻ. Trong vai trò là thành viên Mạng thanh toán Châu Á (Asia Payment Network), Banknetvn đang tích cực kết nối trong khu vực với mong muốn thẻ nội địa do các Ngân hàng Việt Nam phát hành được chấp nhận nhiều hơn ở các quốc gia với nhiều dịch vụ.
Trong năm 2015, Banknetvn cũng đạt được thỏa thuận hợp tác với Tổ chức thanh toán thẻ quốc gia Nga (NSPK) kết nối liên thông hệ thống thanh toán thẻ với NSPK nhằm mở rộng phạm vi chấp nhận thanh toán, gia tăng các hình thức thanh toán tiện lợi bằng thẻ để phục vụ nhu cầu công tác, du lịch, buôn bán, khám chữa bệnh, chuyển tiền liên quốc gia… cho công dân Nga tại Việt Nam và ngược lại.
Một trong những nỗ lực rất lớn của Banknetvn trong năm 2015 là đã chủ động phối hợp với các Vụ, Cục NHNN làm việc với các tổ chức quốc tế để đề xuất, xác định mô hình thanh toán thẻ quốc tế theo đúng định hướng và chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Phóng viên: Hiện nay, việc nghiên cứu, sử dụng phương tiện thanh toán điện tử mới, hiện đại được các đơn vị trong ngành Ngân hàng triển khai mạnh mẽ. Là đơn vị luôn “đi trước, đón đầu” trong lĩnh vực thanh toán, xin Ông cho biết định hướng, giải pháp hoạt động của Công ty nhằm góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế và phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng trong năm tới và những năm tiếp theo?
Ông Phạm Tiễn Dũng: Bám sát các chỉ đạo của Thống đốc NHNN, định hướng trong thời gian tiếp theo, Banknetvn sẽ tập trung nguồn lực, tích cực triển khai các dự án hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ gồm: (i) Xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; (ii) Xây dựng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) tại Việt Nam; (iii) Nghiên cứu, đề xuất giải pháp khuyến khích phát triển hệ thống POS, quy hoạch hệ thống ATM tại Việt Nam và (iv) Xây dựng Cổng chuyển mạch quốc gia kết nối tập trung các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán, các tổ chức thẻ quốc tế góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa công nghệ trong thanh toán, nâng cao năng lực quản trị và đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan nhà nước.
Dựa trên những kết quả đạt được tại TPP cũng như mô hình hợp tác kết nối với các công ty chuyển mạch thẻ là thành viên của Mạng thanh toán Châu Á (Asia Payment Network), Banknetvn đã và đang làm việc cụ thể với Visa, MasterCard và JCB để thống nhất và nhân rộng mô hình kết nối quốc tế. Bên cạnh đó, Banknetvn cũng đang thực hiện khảo sát thông tin từ các ngân hàng để phân tích, đánh giá ảnh hưởng của dự án đối với thị trường Việt Nam và đề xuất phương án triển khai tối ưu, đem lại hiệu quả cho toàn thị trường.
Để hỗ trợ tốt hơn cho người tiêu dùng dễ dàng nhận biết các điểm thanh toán trong nước và quốc tế bằng thẻ nội địa do các ngân hàng Việt Nam phát hành, được sự phê duyệt chủ trương của Thống đốc, Banknetvn đang triển khai dự án xây dựng Thương hiệu thẻ quốc gia. Thương hiệu thẻ quốc gia sẽ được thể hiện trên mặt trước của tất cả các thẻ nội địa do các ngân hàng Việt Nam phát hành, được nhận dạng tại hệ thống ATM và POS nội địa và quốc tế có kết nối thông qua Cổng chuyển mạch Quốc gia Banknetvn. Trong năm 2016, Banknetvn sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng triển khai Chương trình kích hoạt thương hiệu thẻ quốc gia, hướng tới kiện toàn vai trò của Banknetvn như một tổ chức thẻ nội địa của Việt nam.
( trích nganhangnhanuocvietnamonline)