“Cầm cương” thị trường lãi suất

“Cầm cương” thị trường lãi suất

“Cầm cương” thị trường lãi suất

Một trong những thực trạng bất cập tồn tại trong hệ thống hàng Việt Nam đến thời điểm năm 2011 là lãi suất cho vay cao chót vót, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) cạnh tranh nhau vượt trần lãi suất huy động gây xáo trộn thị trường tiền tệ, tạo một môi trường lãi suất “tệ hại” đối với doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tình hình thanh khoản của một số TCTD vào những tháng cuối năm 2011 bị thiếu hụt lớn và nằm trong tình trạng báo động, thị trường tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn, lãi suất cho vay ở mức quá cao so với sức chịu dựng của doanh nghiệp và hộ dân, lên đến 20-25%/năm.

Hội thảo Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, giai đoạn 2011-2015 và những tác động đối với nền kinh tế.

Hội thảo Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, giai đoạn 2011-2015 và những tác động đối với nền kinh tế.

Để bảo đảm trật tự, kỷ cương thị trường tiền tệ, ngày 7/9/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN yêu cầu các TCTD ấn định lãi suất huy động bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không được vượt quá 14%/năm. Đồng thời đưa ra các quy định chế tài xử lý, xử phạt nghiêm khắc đối với cá nhân là người quản lý, điều hành của TCTD, cũng như các TCTD vi phạm quy định về lãi suất.

Từ năm 2012, khi lạm phát đã được kiểm soát và giảm dần, để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, kết hợp với điều hành cung ứng tiền để điều tiết thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất. Tiến hành dỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng vào tháng 6/2012 và lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng từ tháng 6/2013.

Đồng thời từ tháng 5/2012, NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 4 lĩnh vực: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; đến tháng 12/2012, bổ sung thêm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các mức trần lãi suất huy động và cho vay trong giai đoạn này cũng đã được điều chỉnh giảm phù hợp với điều kiện vĩ mô, mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Từ năm 20111 đến cuối năm 2015, NHNN đã giảm 9 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm khoảng 8,5%/năm; quy định trần lãi suất cho vay bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên thấp hơn khoảng 2-3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường và điều chỉnh giảm từ mức 15% xuống còn 7%/năm; quy định và điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động bằng VND từ mức 14%/năm xuống còn 5,5%/năm.

Đối với ngoại tệ, NHNN đã 6 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi USD, đưa lãi suất tiền gửi USD của tổ chức và cá nhân xuống mức lãi suất đồng nhất 0%/năm.

Mặc dù mặt bằng lãi suất giảm, nguồn vốn huy động vẫn tăng. Tính cuối tháng 12/2015, nguồn vốn huy động tăng 13,59% so với cuối năm trước, tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Để tạo điều kiện giảm lãi suất, NHNN giữ ổn định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND, các TCTD trên cơ sở nhu cầu vốn của thị trường cân đối điều chỉnh giảm lãi suất cho vay so với trần quy định; điều tiết thanh khoản của các TCTD hợp lý để tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất.

Trong năm 2015, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực xuống mức khoảng 6,5-6,6%/năm; tiếp tục yêu cầu các TCTD rà soát giảm lãi suất cho vay của các khoản vay cũ về mức lãi suất cho vay hiện hành.

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với cuối năm trước, giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011; dư nợ của những khoản cho vay có lãi suất trên 13%/năm còn 6,4%, giảm mạnh so với tỷ lệ 10,1% vào cuối năm 2014 và so với tỷ lệ hơn 30% vào cuối tháng 6/2013.

Lãi suất huy động giảm khoảng 0,2-0,5%/năm và hiện ở mức tương đối thấp, lòng tin vào VND tiếp tục được củng cố, nguồn vốn huy động tăng gần 14% so với cuối năm 2014.

Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn bằng khoảng 47% so với cuối năm 2011 và tương đương mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006, góp phần hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của doanh nghiệp và hộ dân.

Với những nỗ lực trong công tác điều hành lãi suất, chỉ trong thời gian ngắn, lãi suất cho vay đã giảm hơn một nửa, giảm từ 20%/năm (thậm chí 24-25%/năm ở một số thời điểm) xuống chỉ còn 9 – 11% và còn khoảng 6,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Hiện tại đối với các lĩnh vực ưu tiên, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 – 7%/năm (vay ngắn hạn), 9 – 10%/năm (vay trung – dài hạn). Đối với sản xuất – kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay ở mức 6,8 – 9%/năm (vay ngắn hạn); 9,3 – 11%/năm (vay trung – dài hạn). Với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án – dự án khả thi thì lãi suất vay chỉ còn 5 – 6%/năm.

Bên cạnh các khoản vay mới với lãi suất thấp, NHNN cũng yêu cầu các TCTD đưa lãi suất của các khoản vay cũ về mức 15%/năm và sau đó là 13%/năm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo điều kiện giải phóng kênh tín dụng.

Với mức độ và tần suất điều chỉnh giảm lãi suất như trên, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm đáng kể, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế giảm nhanh, tỷ giá được duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước đã được cải thiện đáng kể.

Nhờ giám sát và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm trần lãi suất huy động, đồng thời với các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng yếu kém, tình trạng một số TCTD phải vay mượn lẫn nhau với lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng đã được khắc phục.

Đường cong lãi suất đã hình thành rõ nét với kỳ hạn ngắn có lãi suất thấp, kỳ hạn dài có lãi suất cao, tạo điều kiện cho việc phân bổ vốn hiệu quả trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, kỷ cương thị trường được thiếp lập và củng cố, không còn tình trạng “tranh mua tranh bán” lãi suất không lành mạnh giữa các TCTD.

Có thể thấy trong 5 năm qua, từ năm 2011-2015, trước bối cảnh “ảm đạm” của cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao, an toàn hệ thống đáng lo ngại, kỷ luật – kỷ cương thị trường bị phá vỡ. Nhưng NHNN đã thực sự vào cuộc lập lại trật tự, kỷ cương, chèo lái chính sách tiền tệ một cách quyết liệt và hiệu quả, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong việc ổn định và phát triển hệ thống ngân hàng.

( trích tamnhin)

 

Share this post