Bứt phá hoạt động của hệ thống tín dụng Lâm Đồng
Đó là, dư nợ cho vay khách hàng phát triển nhanh với mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm và tốc độ tăng nhanh nhất trong 5 năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng dư nợ thực hiện chính sách tín dụng (CSTD) cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (35,7% so 31,1%). Tỷ lệ nợ xấu thấp. Tiến trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng đã từng bước phát huy tác dụng tích cực. Hoạt động thanh toán, dịch vụ ngân hàng thông suốt. Công tác thanh kiểm tra được thực hiện nghiêm túc… Nhìn chung, hoạt động của các chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, góp phần vào sự ổn định an toàn của cả hệ thống. Công tác an sinh xã hội được các đơn vị ngân hàng và quỹ tín dụng quan tâm thực hiện thường xuyên.
So với năm 2014, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 0,5%/năm, số dư nguồn vốn huy động tăng 13,56%, số dư tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng 61%, đáp ứng được gần 71% tổng dư nợ cho vay khách hàng; tổng doanh số cấp tín dụng 58,6%, tổng doanh số thu nợ tăng 55,9%; tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2015 của ngành Ngân hàng tỉnh Lâm Đồng tăng trên 31%, có 14/23 chi nhánh ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành trên địa bàn…; nợ xấu giảm 31,6%, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ là 0,7%, còn 4/44 (chiếm 9%) đơn vị có tỷ lệ nợ xấu cao từ 3,2% đến 20%… Các
QTDND tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại hoạt động và phương án xử lý nợ xấu của từng đơn vị, nên đã có nhiều chuyển biến, hoạt động có lãi, góp phần tăng hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống tín dụng trên địa bàn. 21 QTDND với tổng nguồn vốn hoạt động trên 4 ngàn tỷ đồng, tổng số dư nguồn vốn huy động tiền gửi gần 3,3 ngàn tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay gần 3,4 ngàn tỷ đồng và tổng nợ xấu giảm 45% so với năm trước – tỷ lệ nợ xấu còn 0,27% (thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung của toàn hệ thống tín dụng trên địa bàn – 0,7%).
Các hoạt động dịch vụ như trả lương qua tài khoản, thanh toán thẻ qua điểm chấp nhận thẻ (POS), các dịch vụ thanh toán không dùng thẻ phát triển chất lượng và bảo đảm an toàn tài sản của khách hàng. Các chương trình CSTD phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, như chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình tái canh cây cà phê, chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chương trình hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch… đều có dư nợ cao, tỷ lệ
nợ xấu thấp, giúp người nông dân ổn định sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội… Các chương trình tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, như Chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay, cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế với lãi suất ưu tiên, cho vay hỗ trợ nhà ở…; hay các chương trình tín dụng chính sách phục vụ mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững cho hiệu quả rõ rệt. Công tác quản lý ngoại hối và vàng trên địa bàn liên quan đến hoạt động vay trả nợ nước ngoài, sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ và đại lý đổi ngoại tệ… đã góp phần ổn định tình hình hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng trên địa bàn.
Ông Trần Văn Anh – Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, nhận định: Những bứt phá của toàn ngành ngân hàng năm qua, là nỗ lực của toàn thể công chức, cán bộ ngành Ngân hàng tỉnh Lâm Đồng trong thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quyết sách của Tỉnh ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động tài chính – tiền tệ, trong thực hiện cơ cấu lại tổ chức
tín dụng và xử lý nợ xấu, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý và phục vụ có hiệu quả tái cơ cấu kinh tế… Đồng thời còn là sự phối hợp tốt với các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, như Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân vận Tỉnh ủy và UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng, Cục thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng và Ban Nội chính tỉnh Lâm Đồng… giải quyết kịp thời những thắc mắc, khiếu nại của khách hàng, phòng ngừa tham nhũng… giúp minh bạch hoạt động tín dụng, khơi tăng nguồn vốn huy động, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh và cải thiện đời sống nhân dân…
Ông Nguyễn Văn Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành tích của ngành Ngân hàng Lâm Đồng trong hệ thống ngân hàng cả nước, tạo nên những kết quả cao hơn hẳn những năm trước; đồng thời, khẳng định vai trò của hệ thống tín dụng trong cung cấp vốn phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và những quyết sách thắt chặt tín dụng, thắt chặt chi tiêu trong những năm qua đã tạo nên những thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định tình hình kinh tế – xã hội… Ông cũng nhận định, năm 2016, cùng với chủ trương của Nhà nước nới lỏng
chính sách tiền tệ để tạo điều kiện phát triển kinh tế, ngành ngân hàng có những đổi mới, nhưng khó khăn và thách thức sẽ luôn tồn tại đòi hỏi ngành ngân hàng cần tiếp tục phát huy những thành tích của năm 2015 và nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2016.
( trích lamdongonline)