Rủi ro như…giao dịch viên ngân hàng
Từ trước đến nay, khi nhắc đến rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nhiều người vẫn nghĩ rằng tần suất nhân viên tín dụng gặp rủi ro là cao nhất, dễ tham gia vào “đội tuyển Juventus” nhất. Nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Ít ai biết được rằng, có hàng trăm cái bẫy ngầm dưới chân các giao dịch viên ngân hàng… thậm chí cả những giao dịch viên đang hằng ngày tác nghiệp trong ngân hàng cũng không thể nhận thức hết được các rủi ro xung quanh họ.
Chuốc rủi ro vì chưa được nhận thức rõ ràng, cả nể, nghe lệnh “Sếp”
Đa số các giao dịch viên ngân hàng đều cho rằng rủi ro lớn nhất trong nghề nghiệp của họ chỉ là đền tiền. Khi có sai sót, nhầm lẫn xảy ra sẽ phải cắn răng, âm thầm bù tiền vào…có thể là vài trăm, vài triệu hay có khi lên tới vài chục triệu đồng. Cái “đau” là vừa bù tiền mà còn phải tuyệt đối không để cho các cấp lãnh đạo hay bộ phận chức năng biết vì khi đó sẽ có nguy cơ bị cho thôi việc trong khi tiền vẫn phải đền. Hầu như không có giao dịch viên nào nghĩ đến khả năng mình sẽ dính vào các rủi ro mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực tiễn cho thấy, đã có rất nhiều các giao dịch viên phải ra hầu toà. Đơn cử như đại án Huỳnh Thị Huyền Như cùng các bị can khác là cán bộ của VietinBank được cho là đã cố tình làm giả giấy tờ tài liệu hoặc lợi dụng quyền phê duyệt chuyển tiền thanh toán của mình theo mức uỷ quyền lên tới 50 tỷ đồng để làm các giao dịch chuyển tiền của khách hàng qua các tài khoản nhằm chiếm đoạt tiền của họ. Phương thức lừa đảo theo mô hình Ponzi (Ponzi scheme), lấy tiền lừa của người sau để trả lãi cho các khoản vay trước, kết quả số tiền chiếm đoạt cuối cùng lên đến 3.986 tỷ đồng. Có tới hơn 15 giao dịch viên ngân trong số 23 cán bộ ngân hàng đứng trước vành móng ngựa, trong đó có 5 giao dịch viên của VietinBank.
Hay như vụ án Lê Minh Hằng, Trưởng phòng giao dịch Nguyễn Khánh Toàn của Ngân hàng OceanBank đã làm giả 39 hồ sơ cầm cố thẻ tiết kiệm để rút ra 61 tỷ đồng của ngân hàng này. Ngoài bị cáo chính, 3 nhân viên khác của Phòng giao dịch, trong đó có một giao dịch viên, bị cáo buộc là đồng phạm với Hằng. Mặc dù giao dịch viên Trịnh Thị Thanh Thủy (SN 1985) không được tư lợi một đồng từ khoản tiền mà Hằng rút ra, nhưng do làm trái quy trình theo lệnh sếp nên vẫn bị truy tố ở khung hình phạt từ 2 – 7 năm tù giam.
Ngoài ra, vì sự thiếu hiểu biết và cả nể cũng dễ đẩy các giao dịch viên vào tù như tình huống sếp nhờ tất toán một khoản tiền gửi của người quen nào đó, khách hàng “VIP” nào đó, rút tiền mặt trước rồi bổ sung chứng từ sau khá là phổ biến.
Làm sao phát hiện bẫy “ngầm” để tránh?
Hàng loạt vụ án như trên đã khiến lãnh đạo ngân hàng và cả giao dịch viên giật mình, phải nhìn lại rủi ro với bộ phận giao dịch viên. Với lãnh đạo ngân hàng là rủi ro mất vốn, còn với giao dịch viên là rủi ro tác nghiệp.
Có nhiều vấn đề từ tác nghiệp như lỗi, sai sót không cố ý hoặc do sơ suất trong việc đáp ứng trách nhiệm nghề nghiệp với khách hàng, không tuân thủ các tiêu chuẩn; do quy chế, quy định, quy trình không rõ ràng, chồng chéo, thiếu, không được ban hành kịp thời với nghiệp vụ đã triển khai, trái với các quy định của pháp luật…
Các rủi ro về pháp lý như pháp lý khách hàng, pháp lý giao dịch, pháp lý trách nhiệm…. như những bẫy ngầm dưới chân giao dịch viên. Ví dụ như giao dịch viên nào cũng có thể chắc chắn khách hàng của ngân hàng chỉ có 2 loại, cá nhân và pháp nhân. Xác định khách hàng cá nhân dường như có vẻ rất đơn giản khi một người đến giao dịch dưới danh nghĩa của chính họ. Nhưng doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân hay không? Đó là chưa kể đến hàng loạt vấn đề pháp lý có liên quan đến giao dịch ngân hàng như tài sản chung của hai vợ chồng, vấn đề thừa kế, thẩm quyền ký kết giao dịch, chủ tài khoản, giao dịch với khách hàng đặc biệt (người khiếm thị, trẻ vị thành niên).
Qua đó, các giao dịch viên phải chủ động không ngừng trau dồi chuyên môn,trang bị những kiến thức cần thiết cần thiết cả về nghiệp vụ lẫn kiến thức pháp luật, doanh nghiệp và dân sự…để có thể nhận thức rõ ràng, đầy đủ về rủi ro tác nghiệp.
Thường xuyên tham gia các hội thảo, các khoá đào tạo nghiệp vụ và các khoá nhận diện và phòng ngừa rủi ro. Quan trọng nhất là cần phải biết nói không với sự cả nể.
Các giao dịch viên cũng cần phải xây dựng cho mình những nguyên tắc, chẳng hạn như không cho người khác biết user và password thậm chí người đó có là bạn thân hay cấp quản lý. Bên cạnh đó phải thường xuyên thay đổi mật khẩu để tăng cường độ an toàn trong bảo mật.
Còn đối với các ngân hàng, cần phải nhìn nhận lại mức độ rủi ro mất tiền qua cửa giao dịch viên và tăng cường đào tạo cho khối nhân viên này, nhằm hạn chế nguy cơ mất vốn từ đây.
(trích cafef.vn)