Bài toán nhân lực cho ngân hàng số

Bài toán nhân lực cho ngân hàng số

Theo NHNN, hiện 95% TCTD đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 39% đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược kinh doanh công nghệ thông tin. Chính vì vậy, thời gian tới nhân lực khối ngân hàng được dự báo sẽ có một cuộc cách mạng số hóa.

Áp lực nhu cầu nhân lực số

Vài tháng trở lại đây, trên một loạt các nền tảng tìm việc trực tuyến như CareerBuilder, Vietnamworks, Jobstreet, Careerlinks… nhiều ngân hàng bắt đầu thông báo tuyển dụng nhiều vị trí.

Điều đáng lưu ý, các vị trí nhân sự thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, liên quan nhiều đến dịch vụ số như phát triển phần mềm, kỹ sư công nghệ thông tin nhằm phục vụ việc xây dựng, quản trị hệ thống ngân hàng lõi CoreBanking… được các ngân hàng ưu tiên quan tâm chiêu mộ.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, đối tượng tuyển dụng vào ngành ngân hàng hiện nay được ưu tiên săn đón phần lớn là các chuyên gia công nghệ đến từ các trường đại hội khối kỹ thuật như Đại học Bách khoa, Đại học Công nghiệp, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia).

“Nếu như trước đây, sinh viên kinh tế chiếm đến 90% đầu vào của các ngân hàng thì nay chỉ còn 60%”, ông Vinh cho hay.

PGS.TS. Lê Thanh Tâm, Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại thuộc Viện Ngân hàng – Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đã tạo ra nhiều vị trí công việc trước đây chưa từng có như chuyên gia an ninh mạng, kỹ sư lập trình robot, kỹ sư blockchain, nhân viên phân tích tín dụng định lượng.

Theo chuyên gia này, ngành ngân hàng sẽ tập trung tuyển dụng nhân sự ở 4 lĩnh vực: Sales – trực tiếp kinh doanh, bán sản phẩm; Intelligent – nghiên cứu phát triển sản phẩm, quy trình; Back office – vận hành, xử lý sau khi có các hợp đồng từ bộ phận kinh doanh; Supporting – quản trị rủi ro, nhân sự, công nghệ thông tin.

“Nhân sự ngành ngân hàng cần được trang bị nhận thức số và kỹ năng giao tiếp, quản trị rủi ro và vận dụng phân tích dữ liệu để ra quyết định giải các vấn đề”, bà Tâm nói.

Để đáp ứng kịp với nhu cầu mới, bối cảnh mới, vừa qua, Đại học Kinh tế Quốc dân đã cập nhật thêm các môn học mới gắn với chuyển đổi số như quản trị rủi ro, quản trị tài chính, Fintech, phân tích dữ liệu lớn trong tài chính. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các ngân hàng, công ty tài chính, công ty fintech

Cạnh tranh nhân sự quyết liệt

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho rằng, chuyển đổi số mang tới thách thức về nhân sự cho ngành ngân hàng, bên cạnh những lợi ích về hiệu quả vận hành, kinh doanh.

“Muốn chuyển đổi số hiệu quả thì phải có nhân sự hiểu cả công nghệ và nghiệp vụ kinh doanh. Vì vậy giữa các ngân hàng diễn ra cuộc cạnh tranh nhân sự rất quyết liệt”, ông Lân cho biết.

So với 10 năm về trước, tăng trưởng của khối ngân hàng tăng khá nhanh nhưng số lượng nhân lực tăng khá chậm. Tuy nhiên, hiệu suất làm việc của mỗi nhân sự lại tăng gấp nhiều lần. Trong bối cảnh số hóa, đào tạo nhân lực đang là bài toán đặt ra cho mỗi ngân hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT Vietcombank cho biết, đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin tại các ngân hàng không hề ít, nhưng số người có tư duy đầy đủ liên quan đến chuyển đổi số còn hạn chế. Vì vậy nhân sự chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đa phần đều di chuyển “lòng vòng” – từ ngân hàng này qua ngân hàng khác.

Điều này khiến đại diện Vietcombank dự báo, sự cạnh tranh lẫn nhau để thu hút nhân sự chuyển đổi số giữa các ngân hàng sẽ đẩy mức lương của nhóm nhân sự này tăng cao.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực nhận định, nhu cầu về đào tạo đội ngũ về nhân sự số ở Việt Nam đang rất cấp bách, chưa kể là sự cạnh tranh từ nước ngoài. Rất nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài sẵn sàng chi mức thù lao lớn để chiêu mộ những nhân lực kỹ thuật cao của Việt Nam.

Còn theo PGS. TS. Định Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, để đào tạo nhân lực số ở Việt Nam phải chú trọng đào tạo, chuyển đổi, nâng cao tay nghề và chuyển hướng cho các nhân viên theo công nghệ cao. Đơn cử có thể phân chia ra thành các loại hình và hình thức nhân viên khác nhau để có những bài toán về đào tạo.

Xác định ngân hàng số là hạt nhân cho sự phát triển bền vững, ông Vũ Thành Trung, Giám đốc khối Ngân hàng số MB Bank cho biết, khoảng 10% nhân lực của ngân hàng được cơ cấu làm việc ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, những nhân lực làm việc lâu năm cũng được tập trung đào tạo về số hóa. Biến số hóa trở thành hơi thở tự nhiên của mỗi cán bộ nhân viên là mục tiêu hướng đến của ngân hàng.

Ngân hàng này hiện cũng đang chủ động phát triển mảng ngân hàng số theo hướng chủ động về mặt công nghệ, đa phần sản phẩm công nghệ sẽ do lực lượng admin phát triển chứ không phải qua bên thứ ba. Khi đó các khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên kênh điện tử và dịch chuyển các lực lượng lao động hiện tại sang các khu vực và lĩnh vực kinh doanh mới hơn mà trước đây phục vụ cho khách hàng truyền thống.

Đại diện ngân hàng này cũng cho biết, ngân hàng số không làm giảm lượng nhân sự mà sẽ dịch chuyển nhân sự từ mảng công việc này sang công việc khác. Ngân hàng cũng đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), robotic để giải phóng nhân sự ra khỏi những thao tác lặp đi lặp lại.

Nguồn: Thái Hoàng – Thời báo ngân hàng

Share this post