Chính sách bảo hiểm tiền gửi trong làn sóng fintech

Chính sách bảo hiểm tiền gửi trong làn sóng fintech

Cần một đánh giá tổng thể, đề ra tiêu chí xác định rõ các loại hình sản phẩm nào sẽ thuộc phạm vi BHTG. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền chính sách tới người dân để trang bị đủ nhận thức về những loại hình sản phẩm, dịch vụ nào được bảo hiểm và loại nào không thuộc phạm vi bảo hiểm…

Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI) nhận định, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính thông qua việc đảm bảo mục tiêu chính sách công, thúc đẩy các sáng kiến và tiến bộ, nâng cao nhận thức của người gửi tiền về chính sách BHTG. Vậy, tổ chức BHTG sẽ ở đâu trong làn sóng fintech đang trỗi dậy những năm gần đây?

Trong những năm qua, các sản phẩm, dịch vụ fintech đã ngày càng phát triển rộng rãi. Những tiến bộ về công nghệ đã giúp cho các tổ chức nhận tiền gửi truyền thống thu nhận tiền gửi và cung cấp các dịch vụ thông qua bên thứ ba là các đại lý và các kênh điện tử như máy vi tính hoặc các ứng dụng trên điện thoại di động thông minh. Chúng ta thậm chí còn chứng kiến sự phát triển của những tổ chức tài chính nhận tiền gửi hoàn toàn “ảo”, không có quầy giao dịch thực tế nào. Ngoài ra, những sản phẩm và dịch vụ tài chính mới hiện nay đang được phát triển bởi các tổ chức phi ngân hàng như các công ty công nghệ hoặc các nhà vận hành mạng di động. Fintech đang làm thay đổi mối quan hệ giữa người tiêu dùng tài chính và các tổ chức nhận tiền gửi truyền thống.

Tại Việt Nam, tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Trước đó, tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm tiền di động (Mobile Money) – hình thức dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ – với thời gian thí điểm kéo dài 2 năm kể từ 9/3/2021. Hiện có 3 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị triển khai là Viettel, VNPT và MobiFone.

Giữa tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025 mới đây có nhắc đến kế hoạch nghiên cứu thí điểm “tiền ảo”. Cụ thể, Chính phủ giao cho NHNN là cơ quan chủ trì nghiên cứu, thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2023.

Có thể nói, do có nhiều lợi thế nên fintech ngày càng được sử dụng để tiếp cận nhiều khách hàng hơn, ngay cả đối với những khách hàng không đủ điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống, và do đó fintech trở thành một phần không thể thiếu của các chương trình tài chính toàn diện (financial inclusion) trên toàn cầu. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng ấy.

Sự trỗi dậy của Fintech đang phá vỡ mô hình kinh doanh truyền thống của các tổ chức nhận tiền gửi, trong khi chính sách BHTG lại được xây dựng dựa trên hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi này. Những mô hình kinh doanh mới làm mờ đi ranh giới giữa các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp bên trong hay bên ngoài hệ thống tài chính truyền thống, và từ đó phát sinh nhu cầu xác định lại sản phẩm tài chính nào được bảo vệ bởi tổ chức BHTG.

Hiện nay trên thế giới nhìn chung các tổ chức BHTG có 3 cách tiếp cận đối với các sản phẩm tài chính kỹ thuật số, phân hóa mạnh trong việc xác định các sản phẩm tài chính kỹ thuật số có thuộc phạm vi bảo hiểm hay không. Hầu hết các quốc gia, trong đó có Peru và Philippines, các sản phẩm tài chính kỹ thuật số bị không nằm trong phạm vi BHTG, vì chúng không đáp ứng định nghĩa truyền thống về “tiền gửi được bảo hiểm” hoặc đơn vị cung cấp những sản phẩm kỹ thuật số này không đủ điều kiện để trở thành thành viên trong hệ thống BHTG. Phương pháp loại trừ ở đây là một quyết định có ý thức của các nhà hoạch định chính sách bởi họ coi các sản phẩm đó chủ yếu là công cụ lưu trữ giá trị tạm thời để thực hiện thanh toán hoặc chuyển khoản.

Trong khi đó, Colombia, Ấn Độ và Mexico và một số quốc gia khác coi các sản phẩm có giá trị lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số là “tiền gửi được bảo hiểm” và các sản phẩm đó được cung cấp bởi các tổ chức tài chính được quản lý và giám sát cẩn trọng, là thành viên của hệ thống BHTG.

Cũng có một số quốc gia khác chọn các tiếp cận kết hợp. Cách tiếp cận này cho phép mở rộng phạm vi BHTG sang các sản phẩm dạng tiền gửi kỹ thuật số ngay cả khi nhà cung cấp sản phẩm đó không phải là thành viên của hệ thống BHTG. Cách tiếp cận này đang được thực hiện ở các quốc gia như Kenya và Nigeria, nơi các sản phẩm tương tự tiền gửi có thể được cung cấp bởi các công ty phi tài chính, bao gồm các nhà điều hành mạng di động và các công ty công nghệ. Với cách tiếp cận này, số tiền được các nhà cung cấp thu từ khách hàng thông qua việc phát hành các sản phẩm tài chính kỹ thuật số được đặt trong một hoặc nhiều tài khoản lưu ký tổng hợp tại một ngân hàng (hoặc tổ chức lưu ký được bảo hiểm khác). Vì các tài khoản lưu ký được giữ vì lợi ích của khách hàng cuối cùng chứ không phải nhà cung cấp các sản phẩm tương tự tiền gửi (ví dụ: nhà điều hành mạng), nên có thể coi là không có phạm vi BHTG nào được mở rộng trực tiếp cho nhà cung cấp đó (không phải là thành viên của hệ thống BHTG). Thay vào đó, BHTG được cung cấp gián tiếp qua nhà cung cấp tài khoản lưu ký (là thành viên của hệ thống BHTG) cho từng chủ tài khoản có giá trị lưu trữ riêng lẻ – vì những chủ tài khoản này là chủ sở hữu của các khoản tiền tạo nên khoản lưu giữ tại tài khoản lưu ký.

Thực tế cho thấy tùy đặc thù hệ thống tài chính ở từng quốc gia, các cơ quan quản lý phải nghiên cứu và xác định những sản phẩm tài chính điện tử nào được coi là tương tự tiền gửi và cần được bảo vệ để giữ vững ổn định hệ thống tài chính. Khung pháp lý nói chung cho hoạt động fintech cũng cần được xây dựng và hoàn thiện.

Thị trường fintech Việt Nam những năm gần đây phát triển mạnh mẽ với số lượng các công ty khởi nghiệp gia tăng mạnh. Theo báo cáo Vietnam Fintech Report 2020, số lượng công ty khởi nghiệp fintech đã tăng gần gấp 3 lần từ năm 2017 (44 công ty) đến năm 2020 (123 công ty). Nhìn chung, Fintech ở Việt Nam chủ yếu hoạt động ở mảng thanh toán (31%), cho vay ngang hàng P2P (17%), còn lại là các lĩnh vực hoạt động khác còn tương đối sơ khai.

Các nhà hoạch định chính sách cần chủ động nghiên cứu nhằm xây dựng khung pháp lý, chính sách đầy đủ và phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống tài chính để đưa lĩnh vực fintech vào quản lý một cách quy củ. Cần một đánh giá tổng thể, đề ra tiêu chí xác định rõ các loại hình sản phẩm nào sẽ thuộc phạm vi BHTG. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền chính sách tới người dân để trang bị đủ nhận thức về những loại hình sản phẩm, dịch vụ nào được bảo hiểm và loại nào không thuộc phạm vi bảo hiểm. Là tổ chức bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, BHTG Việt Nam có thể tham gia vào quá trình nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phù hợp từ góc độ BHTG trong lĩnh vực mới mẻ này, đồng thời tham gia tích cực vào quá trình tuyên truyền chính sách, kiến thức tới công chúng nhằm nâng cao nền tảng kiến thức tài chính.

Nguồn: Nam Sinh – Thời báo ngân hàng

Share this post