Chính sách tiền tệ – ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/3/2019
Chính sách tiền tệ – ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/3/2019
Từ ngày 1/3/2019 tới đây, một số chính sách nổi bật thuộc lĩnh vực tiền tệ – ngân hàng sẽ có hiệu lực.
1. Quy chế về quản lý mạng lưới TCTD phi ngân hàng
Ngày 31/12/2018, NHNN ban hành Thông tư 53/2018/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của Tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Theo đó, Tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải xây dựng Quy chế về quản lý mạng lưới gồm các nội dung tối thiểu như sau:
– Cơ cấu tổ chức, nhân sự;
– Nội dung, phạm vi hoạt động, cơ chế hạch toán kế toán;
– Hạn mức rủi ro theo từng hoạt động KD, hoạt động nghiệp vụ đối với một khách hàng, nhóm khách hàng và tất cả khách hàng của chi nhánh;
– Cơ chế quản lý, giám sát của trụ sở chính đối với đối tượng thuộc mạng lưới để đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động;
– Tiêu chuẩn, điều kiện của GĐ, PGĐ chi nhánh, Trưởng các bộ phận chuyên môn, người đứng đầu văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.
Thông tư 53/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/3/2019.
2. Các ngân hàng phải tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần
NHNN ban hành Thông tư 46/2018/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một Tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một Tổ chức tín dụng khác.
Theo đó, Tổ chức tín dụng phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một Tổ chức tín dụng khác.
Tổ chức tín dụng đầu mối phối hợp với Tổ chức tín dụng khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn.
Chậm nhất ngày 31/12/2020, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Thông tư 46/2018/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2019.
3. Trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng
Ngày 31/12/2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 51/2018/TT-NHNN quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của Tổ chức tín dụng .
Theo đó, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của Tổ chức tín dụng như sau:
– Tổ chức tín dụng lập 02 bộ hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát NH.
– Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH có văn bản kèm hồ sơ gửi lấy ý kiến:
+ NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi Tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính về việc đáp ứng các điều kiện;
+ Các đơn vị thuộc ngân hàng nhà nước về việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nợ thành vốn góp của tổ chức tín dụng (nếu cần thiết).
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến các đơn vị được lấy ý kiến quy định có ý kiến bằng văn bản về các nội dung được lấy ý kiến.
Trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến các đơn vị có liên quan, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH thẩm định hồ sơ và trình Thống đốc ngân hàng nhà nước xem xét, chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của tổ chức tín dụng.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, ngân hàng nhà nước có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của Tổ chức tín dụng.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngân hàng nhà nước ra văn bản chấp thuận, Tổ chức tín dụng phải hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nợ thành vốn góp.
Thông tư 51/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/3/2019.
(Trích Thoibaonganhang)