Chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn – Các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân

Chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn – Các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân

Chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn – Các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân

794304972b46e810664ca69ce8377863_cho_vay-_tam_nong

Việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp một số khó khăn như:

– Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và ngân hàng cho vay; lĩnh vực xuất khẩu nông sản luôn phải đối mặt với rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe (như việc Mỹ áp dụng đạo luật Farmbill, EU tăng cường kiểm tra, giám sát chống khai thác thủy sản biển bất hợp pháp của Việt Nam…).

– Các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn thiếu vì vậy hiệu quả đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực này còn hạn chế.

– Việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, vẫn còn xảy ra tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp ảnh hưởng tới thu nhập của người sản xuất. Ngoài ra, thời gian qua một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh, chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc bị cơ quan pháp luật bắt giữ, tạo tâm lý e ngại khi đầu tư vốn tín dụng, cũng như việc tích cực tham gia vào chuỗi giá trị của các bên liên quan.

– Việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của TCTD như:

(i) Việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa thực sự sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản, chưa có phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và phương án trả nợ vay chưa khả thi, thị trường tiêu thụ không ổn định,…

(ii) Số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn hạn chế (hiện nay chỉ có 3 khu, 1 vùng và 32 doanh nghiệp).

(iii) Các tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chưa rõ ràng, chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí đó của dự án (ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh,…), gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách để cho vay.

(iv) Tài sản đảm bảo cho khoản vay thường là đất nông nghiệp có giá trị thấp, trong khi tài sản trên đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng;

– Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệpnông nghiệp còn hạn chế.

4. Giải pháp thúc đẩy tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói riêng

– Hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể: Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cho phép sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm…

– NHNN tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ (tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) nhằm hỗ trợ vốn cho các TCTD đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn.

– NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn nói chung và tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù như: cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay lúa gạo, thủy sản…; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các chương trình cho vay; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

– Tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất (nhà kính, nhà lưới,…) làm tài sản đảm bảo khi vay vốn tại TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

–  Tiếp tục chỉ đạo các TCTD nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp nông nghiệp; đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Kiến nghị

Để đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng của ngành ngân hàng hiệu quả, NHNN kiến nghị:

– Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP nhằm đồng bộ chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan:

+ Kịp thời triển khai và ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn và hoàn thiện chính sách về đất đai làm cơ sở mở rộng quy mô trong sản xuất nông nghiệp;

+ Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;

+ Nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm sự phù hợp giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch của từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam;

+ Ban hành văn bản quy định về liên kết vùng, liên vùng trong phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp;

–  UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục giao dịch bảo đảm và các thủ tục hành chính liên quan nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp nhanh chóng hoàn tất hồ sơ vay vốn ngân hàng; tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.

-Các Hiệp hội, ngành hàng cần đẩy mạnh vai trò trong việc kết nối thông tin, xúc tiến thương mại, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nông nghiệp mở rộng thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

– Đối với các doanh nghiệp nông nghiệp, cần chủ động tiếp cận đánh giá nhu cầu thị trường, nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, lành mạnh hóa tình hình tài chính và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả để tăng khả năng tiếp cận vốn vay tại các tổ chức tín dụng.

Chi tiết nghị định xem Nghị định 55/2015/NĐ-CP tại đây

Share this post