Diện mạo mới từ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng
Diện mạo mới từ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng
Nhiều điểm nhấn từ tái cơ cấu
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế thì tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được cả yêu cầu về chất và lượng theo đúng kịch bản. Thành công từ tái cơ cấu đã mang lại nhiều kết quả tích cực như: không chỉ giảm nhanh về lượng các TCTD yếu kém trong một thời gian ngắn mà tất cả các cuộc chuyển giao, sáp nhập đều diễn ra êm thấm và không hề để lại bất cứ xáo trộn trên thị trường, bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của người gửi tiền. Bên cạnh đó, việc đặt một số ngân hàng yếu kém dưới sự quản lý của các ngân hàng lớn có trình độ và kinh nghiệm quản lý đã góp phần nâng cao chất lượng tài sản và quản trị rủi ro cho ngân hàng sau hợp nhất.
Thành công trong tái cơ cấu giai đoạn vừa qua đã mang tới diện mạo mới cho hệ thống các TCTD.Theo Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước đánh giá, hệ thống thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên. Cuối năm 2011, nguy cơ đổ vỡ hệ thống của chúng ta rất cao. Nhưng đến nay, thanh khoản đã cải thiện căn bản. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất từ 17- 10%/năm đã về mức 9-10%/năm. Trật tự, kỉ cương của thị trường tiền tệ và cả hệ thống đã tốt hơn, cạnh tranh lành mạnh hơn, không còn tình trạng chạy đua lãi suất huy động. Ngoài ra, ông Nghĩa cũng cho biết, 3 nội dung then chốtcủa quá trình vừa qua là: cơ cấu lại về quản trị, cơ cấu tài chính, cơ cấu hoạt động cơ bản đã thành công.
Theo nhận định chung của các chuyên gia kinh tế thì việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã thành công và đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Cụ thể là, đã hoàn thành được phần lớn mục tiêu lành mạnh hóa tình trạng tài chính và năng lực hoạt động của các TCTD thông qua xử lý các TCTD yếu kém (tính đến hết năm 2015, đã giảm được 19 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại, giải thể, thu hồi giấy phép so với cuối năm 2011).
Đồng thời, đã thực hiện được phần lớn mục tiêu cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả của các TCTD. Năm 2015, hệ số an toàn vốn (CAR) của hệ thống đạt 13,14%, ROA 0,52%, ROE 5,79%.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất là việc đã thực hiện được mục tiêu không để xảy ra đổ vỡ hệ thống, hạn chế tối đa tổn thất và chi phí ngân sách. Công tác tái cơ cấu về tài chính, hoạt động, quản trị, pháp nhân, sở hữu dù chưa toàn diện nhưng cũng đã được thực hiện quyết liệt thông qua các phương thức như phân nhóm TCTD; hỗ trợ thanh khoản; sáp nhập, hợp nhất, mua lại; NHNN mua lại; tăng vốn chủ sở hữu, nâng cao hiệu quả hoạt động; thoái vốn, giảm sở hữu chéo… Mục tiêu xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu xuống dưới 3% cũng đã đạt được.
Các chuyên gia cho rằng, giảm nợ xấu là một trong những thành tựu nổi bật của quá trình tái cơ cấu vừa qua. Mức nợ xấu khoảng 465 ngàn tỷ đồng (trên 10% dư nợ) năm 2012 đã giảm xuống còn 2,72% năm 2015 nhờ các nhóm giải pháp quyết liệt của NHNN trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu “không sử dụng tiền NSNN để đảm bảo không đổ gánh nặng nợ xấu lên người đóng thuế”.
Bên cạnh đó, mục tiêu hình thành một, hai NHTM có quy mô, trình độ khu vực cũng đang được triển khai. Về quy mô, hiện Việt Nam có 11 NHTM nằm trong top 1000 NHTM theo đánh giá của the Banker. Bốn NHTM nhà nước có quy mô vốn điều lệ trên 1 tỷ USD, trong đó VietinBank đạt 1,65 tỷ USD.
Đẩy mạnh tái cơ cấu để vươn tới những chuẩn mực quốc tế
Với nhận định lạc quan về sự cải thiện của sức cầu nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của ngành tài chính, ngân hàng, các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2016.
Cùng với đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay thì các tổ chức tín dụng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi ngày càng có nhiều NH trong khu vực và thế giới gia nhập thị trường để đón đầu làn sóng đầu tư, thương mại và dịch vụ dự báo sẽ tăng mạnh trong tương lai gần. Chính vì lẽ đó, hệ thống ngân hàng trong thời gian tới sẽ tích cực tái cơ cấu theo hướng bền vững và vươn tới những chuẩn mực tài chính quốc tế.
Trong thời gian tới cùng với việc tiếp tục tái cơ cấu các TCTD, các chuyên gia khuyến cáo, cần tập trung vào phát triển các TCTD theo hướng an toàn, hiệu quả hơn theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là Basel II, nâng cao trình độ và khả năng cạnh tranh để có một, hai NHTM đạt trình độ trung bình trong khu vực. Đặc biệt là, hệ thống ngân hàng phải đảm bảo mức độ an toàn, hiệu quả của hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể là theo Basel II.
Công tác xử lý nợ xấu cần tiếp tục thực hiện triệt để hơn để xử lý được tận gốc nợ xấu hiện tại, đồng thời chủ động ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh thông qua việc nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.
Về phía các TCTD, một mặt cần tăng cường năng lực tài chính thông qua tăng vốn chủ sở hữu và giữ các tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn ở mức phù hợp. Mặt khác cần hoàn thiện, thay đổi cơ chế quản trị điều hành theo hướng công khai, minh bạch hóa để tăng niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng, tối ưu hóa các nguyên tắc quản trị chuyên nghiệp của quốc tế. Tăng cường ứng dụng các chuẩn mực vốn mới theo Basel II và các nguyên tắc quản trị rủi ro hiện đại.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát NH (NHNN) cho rằng, giai đoạn tới sẽ phát triển hệ thống các TCTD theo hướng đa năng, hiện đại, hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình, có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị NH tiên tiến, chuẩn mực an toàn hoạt động phù hợp với thông lệ…
Theo TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua sẽ tạo nền tảng vững chắc cho ngành NH thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu NH giai đoạn 2016 – 2020.
TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: Cần phải tổng hòa các giải pháp từ cả nền kinh tế chứ không riêng hệ thống ngân hàng, cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh công bằng minh bạch; thực hiện đồng bộ cả tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và cơ cấu hệ thống ngân hàng mạnh mẽ hơn.
Đồng thời phải tìm ra giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề tài sản của các NH, đặc biệt là thủ tục pháp lý liên quan tới giải quyết tài sản thế chấp đến thời điểm này còn ách tắc, cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành có liên quan.
( trích tài chính)