Điều hành tín dụng thận trọng
Điều hành tín dụng thận trọng
Năm 2018, NHNN chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt tốc độ và chất lượng tín dụng hệ thống, kết quả tăng trưởng tín dụng (TTTD) cả năm thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Năm nay định hướng chính sách tiền tệ của NHNN nhiều khả năng tiếp tục thận trọng như trong nửa cuối năm 2018, chỉ tiêu TTTD toàn hệ thống chỉ khoảng 14 – 15%, và việc kiểm soát chỉ tiêu TTTD kéo dài đến khi các NHTM hoàn thành chuẩn Basel II.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến 20-12-2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,34% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 14,19%); huy động vốn của các TCTD tăng 11,56% (cùng kỳ năm 2017 tăng 14,5%); tín dụng của nền kinh tế tăng 13,3% (cùng kỳ tăng 16,96%).
Còn theo nhận định Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2018 tốc độ tăng M2 và tín dụng đều có xu hướng giảm. Đến cuối năm 2018, M2/GDP ước khoảng 168%, tăng thấp hơn so với bình quân giai đoạn 2012 – 2016. Tín dụng năm 2018 ước tăng 14-15%, thấp hơn 3-4% so với năm 2017. Tỷ lệ tín dụng/GDP khoảng 134%.
Hệ số chênh lệch tín dụng/GDP tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015. Cung tiền, tín dụng đang dần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô.
Thực tế, ngay từ đầu năm 2018, mục tiêu TTTD của toàn hệ thống 17%. Nhưng trước biểu hiện áp lực lạm phát, NHNN đã kiểm soát hạn mức TTTD của các NHTM thông qua việc giao chỉ tiêu cụ thể cho từng thành viên chỉ ở mức thấp khoảng 14 – 16%.
Đến những tháng cuối năm 2018, NHNN chủ trương TTTD khoảng 15,5 – 16%; đồng thời room tín dụng của các NH cũng bị siết chặt theo chỉ tiêu được giao đầu năm.
Cụ thể, tháng 8/2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ban hành Chỉ thị 04 về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành NH 6 tháng cuối năm 2018.
Trong đó, nêu rõ kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như từng TCTD theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu TTTD, trừ trường hợp đặc biệt của một số NHTM tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém.
Bên cạnh đó, từ cuối tháng 11/2018, NHNN đã nới room tín dụng cho một số NH nhưng cũng có sự chọn lọc. Cụ thể, theo phòng phân tích của Công ty Chứng khoản Bảo Việt (BVSC), TTTD của MB lên mức 17% trong năm 2018, sau khi được NHNN nâng chỉ tiêu so với mức 15% giao đầu năm. Trước MB, Techcombank đã được NHNN nới chỉ tiêu TTTD lên 20%/năm. Techcombank là thành viên sớm tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây.
Một lãnh đạo cấp chi nhánh VPBank cho biết, cuối năm ngoái đã thực hiện điều chỉnh cân đối trong hoạt động, theo định hướng chỉ tiêu TTTD của hệ thống là 17% thay vì 15% được NHNN giao từ đầu năm. Phần tín dụng tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng.
Có thể thấy nhóm NHTM được nới room tín dụng là các NH tích cực tăng vốn, xử lý nợ xấu và có kết quả kinh doanh hiệu quả, còn phần lớn NH khác vẫn đang bị NHNN giới hạn. Theo đó TTTD năm 2018 đạt mức thấp so với các năm gần đây.
TTTD năm 2019 khoảng 14 – 15%
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, việc NHNN hạn chế room tín dụng của các NHTM trong năm 2018 là hợp lý. Bởi nếu tín dụng đổ mạnh, đồng nghĩa một lượng cung tiền đổ ra thị trường ảnh hưởng đến lạm phát. Năm 2018 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.
Trong khi đó, lạm phát bình quân cả năm 3,6%, giữ được mức dưới 4%. Lạm phát cơ bản bình quân tăng dưới 1,5% so với cùng kỳ. Tăng trưởng kinh tế tốt, ổn định nhưng tín dụng lại tăng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 17%, cho thấy sắp tới nếu NHNN giảm chỉ tiêu TTTD cũng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Trong các báo cáo gần đây, chuyên gia phân tích các công ty chứng khoán, nhận định do lạm phát không còn ở mức thấp, cộng thêm tỷ giá chịu sức ép từ tình trạng đồng USD gia tăng trên thị trường thế giới, khiến dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ của NHNN khá thấp. Năm nay, NHNN đưa ra thông điệp kiểm soát TTTD ở mức hợp lý, cho thấy quan điểm điều hành thận trọng.
Liên quan đến tín dụng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM), cũng nhận định mục tiêu tăng trưởng thấp hơn 17% đặt ra cho năm 2018 giúp thắt chặt điều kiện tín dụng hơn, nhưng vẫn cần phải giảm thêm nữa trong những năm tới. Vì TTTD và tài sản tăng mạnh có thể tạo nên những rủi ro mới trong hệ thống tài chính.
Trong bối cảnh hiện nay, TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, nhận xét năm 2019 NHNN có thể đưa ra chỉ tiêu TTTD khoảng 14-15%, nếu đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,9 – 7%. Trong điều hành, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách giống như năm nay, chưa bỏ trần huy động và sẽ còn kiểm soát room tín dụng của NHTM.
Mặc dù việc này còn mang tính hành chính, nhưng NHNN muốn kiểm soát hoạt động cho vay, cân đối tổng dư nợ và kiểm soát cung tiền. Lý do, bởi các NH vẫn chưa hoàn thành tái cấu trúc, tự giác tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động theo tiêu chuẩn Basel II.
Có lẽ sự can thiệp này sẽ còn kéo dài cho đến khi các NH hoàn thiện quá trình tái cơ cấu. Theo đó, NH nào muốn có room tín dụng cao hơn phải tăng được vốn tự có để được xem xét điều chỉnh tăng quy mô hoạt động bao gồm cả chỉ tiêu cho vay.
Còn tại báo cáo triển vọng ngành NH 2019, BVSC nhận định, không chỉ năm 2019, TTTD trong 3-5 năm tới sẽ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015 – 2017 (trung bình 18,1%), vì cả cung và cầu tín dụng của nền kinh tế có xu hướng giảm xuống.
Tín dụng hiện chỉ là 1 trong 3 nguồn vốn chủ chốt của nền kinh tế, nên không phải tín dụng tăng nhanh mới đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, TTTD quá nhanh sẽ gây áp lực lên tỷ lệ an toàn vốn của các NH, khó áp dụng được chuẩn Basel II, bởi việc tăng vốn của nhiều NH vẫn còn khó khăn. Chính vì vậy, các tổ chức quốc tế như Moody’s hay IMF thường xuyên cảnh báo tốc độ TTTD nhanh của Việt Nam tiềm ẩn rủi ro lâu dài. |
(Trích: anninhtiente)