Khi người Việt… không thích tiêu tiền mặt
Khi những tiện ích ngày càng tăng từ thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt thì việc người Việt ra ngõ không mang tiền mặt đã trở nên phổ biến…
Tiền mặt đã… lỗi thời
Từ khi các dịch vụ thanh toán không tiền mặt phát triển và nhiều nơi chấp nhận hình thức thanh toán này, chỉ với chiếc điện thoại thông minh (smartphone), chị Minh Thu (Hà Nội) gần như không phải mang ví tiền theo người vì từ việc đóng tiền học cho con, mua thực phẩm, đặt hàng qua mạng hay thậm chí đi café với bạn bè chị đều có thể thanh toán qua di động.
“Ngày xưa không có tiền mặt mang theo người thì lo lắm. Nhưng giờ thì ra đường không sợ quên tiền mà lại chỉ sợ quên điện thoại hay quên mang thẻ. Có thể nói giờ việc chỉ dùng tiền mặt với tôi đã trở nên lỗi thời”, chị Thu cho biết.
Hình thức thanh toán không tiền mặt đã có bước phát triển ngoạn mục trong thời gian qua, đặc biệt là trong thời điểm dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 nhiều người dân chủ yếu sử dụng giao dịch điện tử để tránh tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Theo bà Mai Lan Vân, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần VinID, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, riêng tính năng Scan&Go (tính năng quét mã mua hàng tại các siêu thị Vinmart, Vinmart+) của ứng dụng VinID đã ghi nhận số đơn hàng tăng gấp 15 lần so với lúc cao điểm trước đó, tỷ lệ mua sắm trực tuyến cũng tăng gấp 3 lần so với bình thường.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đánh dấu bước tiến vượt bậc trong sự phát triển của hoạt động thanh toán cả về chất và lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và Internet (đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018).
Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Tỷ trọng giao dịch tại ATM năm 2018 thông qua hệ thống Napas chiếm 62%, năm 2019 giảm còn 42% trong khi tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng năm 2018 là 26%, năm 2019 tăng lên 48%, thể hiện sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng ngày bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử.
Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường. Đến cuối năm 2019 đã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan Thuế, Hải quan trên 63 tỉnh/thành phố, 95% số thu Hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 30 bệnh viện đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng (CPA) gần đây của Visa cũng chứng minh xu hướng “lên ngôi” của thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, có đến 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng tăng cường sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt trong vòng 12 tháng tới – tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á được khảo sát.
Tiềm năng dồi dào
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Quốc gia visa tại Việt Nam và Lào nhìn nhận triển vọng mở rộng thanh toán số tại Việt Nam khá lạc quan. “Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam ngày càng có nhiều người gia nhập tầng lớp trung lưu, mức thu nhập khả dụng cao hơn và sẵn sàng nắm bắt các công nghệ mới”, bà Dung phân tích.
Bà Dung nhận định, xu hướng không dùng tiền mặt cũng là xu hướng tất yếu và phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, trong đó có việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
“Việc triển khai thanh toán số cho các dịch vụ của Chính phủ đánh dấu một bước tiến lớn cho tính hiệu quả của quy trình quản lý hành chính ở nhiều cấp độ, cũng như việc đón nhận rộng rãi các phương thức thanh toán không tiền mặt, tạo ra các trải nghiệm, chất lượng dịch vụ tốt hơn tới người tiêu dùng”, bà Dung cho biết.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của dịch vụ ví điện tử, bà Lê Xuân Phương – Phó Giám đốc nghiên cứu tại Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo cho rằng, tần suất và giá trị giao dịch hàng ngày qua các ví điện tử cho thấy nhu cầu sử dụng tại thị trường Việt Nam là rất lớn và còn nhiều triển vọng trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, hoạt động TTKDTM, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, với những sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích cùng nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ thiết thực đã tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ TTKDTM, qua đó góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa sự lây nhiễm dịch bệnh.
Theo đó, trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng trên 21% so với 3 tháng đầu năm 2019. Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống Chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 6, Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm để phương thức thanh toán này trở nên phổ biến hơn, thao tác dễ hơn và nhanh hơn để người lớn tuổi, người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng có thể thực hiện dễ dàng.
Với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 làm nhân tố quyết định, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số.
Nguồn: Thái Hoàng – Thời báo ngân hàng